Dịch Covid-19 khiến tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp ở nhiều nước trở nên trầm trọng hơn, bên cạnh đó là năng suất làm nông kém. Điều này cũng đồng nghĩa nhà nông cần phải ứng dụng các công nghệ nông nghiệp mới để thích ứng.

RG150 chăm sóc vườn cây

RG150 là robot nông nghiệp tự động không người lái được vận hành bằng công nghệ AI, có thể hoàn toàn thay thế nông dân. Robot này do tập đoàn khoa học công nghệ XAG sản xuất và là nền tảng xe nông nghiệp công nghệ cao, không người lái, chuyên dùng cho các trang trại thông minh vận hành bằng AI.

RG150 có khả năng “off-road” mạnh mẽ, thích nghi với nhiều loại địa hình khác nhau. Robot có thể hạ thấp trọng tâm và leo núi độ dốc 30 độ. Ngoài khả năng vượt địa hình cản trở như ổ gà, RG150 còn có thể di chuyển trong các khu vườn cây ăn trái dày đặc mà không làm hư hại cây.

Ông Nguyễn Đức Trường, tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Thành, đơn vị phân phối của RG150 cho biết rằng đây là robot không người lái hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp tiên tiến hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Công dụng chính của RG150 là phun thuốc trừ sâu, giúp thay thế nông dân dùng bình phun xịt đeo trên vai hoặc dùng máy bán tự động để phun. Điều này sẽ giúp tự động hóa công đoạn phun thuốc. Ngoài ra, robot có thể trở thành một chiếc xe vận chuyển nông sản với tải trọng lên đến 150kg bằng cách tháo bình phun và xếp giá đỡ lên. Quá trình vận chuyển nông sản cũng có thể được cài đặt hoàn toàn tự động.

Hái táo 7 giây bất kể nắng mưa

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều lao động thời vụ là người địa phương hay người nước ngoài “biến mất” trên những cánh đồng mênh mông ở Úc. Tiến sĩ Chao Chen  thuộc khoa cơ khí và hàng không của Đại học Monash cùng các cộng sự đã phát minh ra một loại robot sử dụng camera phát hiện và hái những quả táo đã chín mà không làm hư hại cây. Robot này có thể thu hoạch được một quả táo trong vòng 7 giây, tùy thuộc vào khoảng cách di chuyển, so với tốc độ hái một quả táo thường mất 4 – 5 giây của một người nông dân. Được biết, “cánh tay” robot này có tỷ lệ hái táo thành công tới 85%.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất đối với những nhà nông mong muốn sử dụng thiết bị này là giá thành. Theo đó, do chí phí đắt đỏ để sản xuất lên tới 80.000 AUD, tức khoảng 1,4 tỷ đồng, nên việc đầu tư vào “cánh tay” robot này sẽ đòi hỏi khá nhiều tiền bạc cũng như toan tính kinh tế. Ripe Robotics, đơn vị tiên phong sản xuất robot này, hiện đang cố gắng để tạo ra một phiên bản thứ hai với mục tiêu tăng độ hiệu quả và với giá thành rẻ hơn.

Trồng 10 cây giống trong vòng 15 phút

Đối với các trang trại rộng lớn, một trong những vấn đề tiêu hao nhân lực và thời gian nhất chính là gieo trồng cây giống. Để giải quyết vấn đề này, hai sinh viên thuộc Đại học Victoria, Canada đã phát triển robot TreeRover với khả năng tự di chuyển và tự động gieo trồng. TreeRover vận hành bằng cách sử dụng khí nén để tạo ra một rãnh rỗng được đào sâu xuống đất rồi sau đó các cây giống nhỏ sẽ được đặt xuống. Sau khi cây đã nằm trong lòng đất thì một cánh tay cơ khí sẽ chìa ra để dậm đất xung quanh chúng. Sau khi hoàn tất, TreeRover sẽ di chuyển sang vị trí tiếp theo bằng các bánh xe.

TreeRover với khả năng gieo trồng 10 cây giống chỉ trong 15 phút. Ảnh: The Plaid Zebra

Một trong những bất tiện hiện tại của TreeRover là con robot này chỉ có thể tải được 10 cây giống trên xe, nhưng vấn đề này có thể được giải quyết đơn giản bằng một người nông dân di chuyển vòng tròn để phân phát thêm cây giống lên xe.

Nhóm phát triển TreeRover đặt mục tiêu cải thiện khả năng di chuyển trên mọi địa hình cũng như hệ thống dẫn đường hiệu quả hơn cho robot này.

Lê Hiếu (Theo TGHN)

Cỏ May tiến vào thị trường dầu gạo tiềm năng