Có mặt trong một số hoạt động tại lễ hội Sức khoẻ và dinh dưỡng, ông Aalok Pandit, giám đốc truyền thông tiếp thị hiệp hội Bán lẻ Á – Phi, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 

Theo ông Aalok Pandit, thị trường Ấn Độ và châu Á có những xu hướng sau:

Thứ nhất, người tiêu dùng (NTD) quan tâm đến những gì tự nhiên và hữu cơ, không có phụ gia.Họ quan tâm đến những công ty có uy tín. Thứ đến, NTD có nhiều kiến thức và thông tin hơn, họ tìm hiểu các DN lấy nguồn nguyên vật liệu từ đâu; có sử dụng lao động trẻ em không; có khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững không…

Về Ấn Độ, ông Pandit cho rằng thị trường tiêu dùng thực phẩm gần như bão hoà, có nhiều sản phẩm của các công ty tạo nên một thị trường đông đúc.

Theo ông, các DN Việt Nam nên đi theo hướng kinh doanh online; sẽ tiết kiệm chi phí hơn mở mặt bằng tại Ấn Độ. Với online, DN có thể quảng cáo trên các website, giúp họ tiếp cận NTD nhiều hơn. Ngành hàng Việt Nam có thể thâm nhập vào Ấn Độ và châu Á là thực phẩm và nông sản, tiếp đến là gia vị, rau thơm tự nhiên.

“Các bài thuốc truyền thống của Việt Nam hoàn toàn có cơ hội ở các thị trường này, nhưng cần phân biệt rõ sản phẩm Việt Nam và Trung Quốc, bởi hàng này giống nhau”, ông Pandit nói.“DN nên thêm trên bao bì sản phẩm phần tiếng Anh để người nước ngoài biết được, chỉ ghi tiếng Việt thì khó xuất đi”, ông nói thêm.

Ông Aalok Pandit hiến kế: muốn sản phẩm Việt Nam đến nhiều nơi ở châu Á, cần làm sao thu hút NTD châu Á đến. Bằng cách nào? Hãy làm du lịch tốt để thu hút họ, khi đó họ mới có trải nghiệm về Việt Nam, biết được con người, sản phẩm như thế nào.

Còn ông Kenny Lee, giám đốc điều hành Cỏ May Singapore cho rằng, sản phẩm Việt Nam trước giờ có “vết” là rẻ và kém chất lượng. Nên Cỏ May hay các DN Việt khác cần tập trung vào “những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao”. Thực tế, Cỏ May đã chọn hướng đi này và đã thành công.Hiện nay, cốt lõi nhất của Cỏ May tại Singapore là gạo, hải sản, thực phẩm.Những sản phẩm của Cỏ May có quy cách đóng gói hút chân không, như hình viên gạch.Ông Lee cho biết, thị trường Singapore rất phát triển, NTD quan tâm đến sức khoẻ, khách hàng kỹ tính hơn.

“Chúng tôi thâm nhập bằng sản phẩm dinh dưỡng cao như gạo nâu hỗn hợp, vì dân Singapore chỉ ăn loại gạo đó”, Kenny Lee cho biết. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ thị trường khi vào đây – một thị trường chỉ hơn 5 triệu dân, rất nhỏ so với Đông Nam Á, có nhiều người Malaysia, Hoa, Ấn… văn hoá đa dạng, có nhiều người theo đạo Hồi, họ ăn nhiều cà ri, gia vị. Sản phẩm thực phẩm muốn vào Singapore phải có chứng nhận HALAL. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý những chứng nhận khác, như HACCP, Healthy Choice…

Ông Lee cho rằng, nên dùng kho nhỏ, sau khi sản lượng tăng phải dùng dịch vụ của bên thứ ba.Nhưng chi phí rất cao.Nhiều DN sẽ gặp khó khăn về tài chính, thậm chí lỗ nặng, không biết xử lý như thế nào.“Tôi nghĩ DN cần nghiên cứu về chi phí trước khi bước chân vào Singapore”, ông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khôi, phó vụ trưởng vụ Tiêu chuẩn, bộ Khoa học và công nghệ, chia sẻ: “DN Việt gặp nhiều thách thức khi xuất khẩu, nhất là các yêu cầu về bao bì, nhãn mác, hay các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng. Một trong những khó khăn nữa là vấn đề áp dụng công nghệ để đảm bảo các yêu cầu còn hạn chế”.

Chia sẻ thêm về vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải trong việc “tiếp thị” mình trước nhà mua hàng, bà Kim Thanh, chuyên gia dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập cho biết, cái mà DN Việt hay thiếu nhất là website và website phải có tiếng Việt và tiếng Anh đầy đủ, phong phú, nhiều thông tin tham khảo.

“Có sản phẩm quy cách, không để giá, nhưng cung cấp kỹ các thông tin tham khảo như về năng lực cung cấp”, bà Kim Thanh nói.

Trần Quỳnh