Mien dat hua cua toi

Với hàng trăm cuộc phỏng vấn và số lượng lớn thông tin lớn khai thác được trong nhiều năm, nhà báo quốc nội Ari Shavit đi sâu vào số phận phức tạp của Israel.

Miền đất hứa của tôi được bắt đầu từ mùa xuân năm 1897, khi những công dân Anh – Do Thái dẫn đầu là Herbert Bentwich, một người theo chủ nghĩa Zion, thực hiện chuyến hành hương bằng con tàu hơi nước nhỏ đến Palestine vào năm đó. Không lâu sau những người Do Thái dũng cảm từ châu Âu di cư sang, bắt tay xây dựng xã hội lý tưởng của phong trào Zion tại đây. Đến năm 1921, tại thung lũng Ein Harod, hợp tác xã Zion đầu tiên được thành lập, những vườn cây sai quả mọc lên như khởi đầu thiêng liêng của người Do Thái tại Palestine.

Được bảo hộ bởi Anh quốc, công cuộc định cư lâu dài của một dân tộc lưu vong được xác lập trên vùng đất khô cằn nhất Trung Đông, nơi mà hơn 2.000 năm trước tồn tại một Vương quốc Israel hùng mạnh. Khi đời sống bên trong những hợp tác xã được liên kết chặt chẽ và sáng tạo, mang đến nguồn lợi to lớn cho người bản xứ lẫn người Do Thái định cư, thúc đẩy hai dân tộc Palestine và Israel sống hài hoà và phát đạt.

Sau những vườn cam Soumari mênh mông trĩu quả, nhà máy, trường học, khu mua sắm sầm uất mọc lên từ Rehovot đến Jaffa, Tel Aviv và các khu vực lân cận. Sức sống Zion bừng lên giữa những hoang mạc, khe núi, chắp cánh cho một giấc mơ xa hơn của dân tộc Do Thái.

Cũng chính từ sự phát triển nhanh chóng của một xã hội Israel tại Trung Đông, đã tạo nên một con sóng thù địch từ thế giới Ả Rập. Sự đụng độ tôn giáo, sắc tộc và những mâu thuẫn lịch sử biến thành lòng thù hận, bên cạnh đó làn sóng di cư của người Do Thái từ châu Âu sang Palestine không ngừng tăng. Phát súng đầu tiên đã nổ ra vào tháng 4.1936, và khi những cuộc thanh trừng người Israel tại Palestine tiếp diễn, thì người Do Thái ở châu Âu bị Hitler truy bức đến cùng. Không còn cách nào khác, người Do Thái phải bám vào miền đất hứa của mình. Sự chống trả bắt đầu lan nhanh thành cuộc chiến giữa người Israel và người Ả Rập.

Sau mỗi cuộc chiến luôn có những nỗ lực hoà bình, nhưng trong hoà bình vẫn âm ỉ tồn tại một cuộc chiến giữa người Do Thái và Ả Rập. Song dù trong hoàn cảnh nào, đất nước Israel vẫn phát triển một cách kinh ngạc, chỉ trong năm 1952 – 1956, chính phủ đã cho xây 200.000 căn hộ, gần như xoá sổ hoàn toàn các khu tỵ nạn Do Thái sau thế chiến. Nguồn nội lực Do Thái đã đưa GDP tăng 165% từ năm 1950 – 1959, khi công nghiệp xuất khẩu tăng 185%. Israel đã trải qua cuộc công nghiệp nhanh và rộng khắp.Cứ như vậy, từ những ngày đầu cho đến nay, người dân Israel vẫn chưa bao giờ bị khuất phục chiến tranh, nhưng họ cũng không hề tự hào về nó.Người Israel phủ nhận quá khứ với Palestine, quên đi tấn bi kịch diệt chủng và “tất bật mỗi ngày để không còn thời gian cho tội lỗi hay từ bi”.

Nhưng bên cạnh hiểm hoạ luôn tồn tại niềm hy vọng, đó mới là bản chất của quốc gia độc đáo này, vì vậy Ari Shavit viết: “Quốc gia Do Thái không giống bất cứ quốc gia nào. Điều mà quốc gia này phải mang đến không phải là an ninh, hạnh phúc, hay sự tĩnh tâm. Những gì nó phải đưa tới là xúc cảm mãnh liệt của một cuộc sống cận kề với hiểm nguy.Là sự bùng phát của adrenaline để sống lúc nguy nan, sống thật, sống hết mình”.

Lê Hữu Nam