Với hơn 200 bằng phát minh, sáng chế được công nhận tại Mỹ, Canada và châu Âu, sống bằng tiền bản quyền khỏe re, tới công ty Trung Quốc còn không quỵt được ông, đâu cần phải làm gì. Vậy mà TS Nguyễn Thanh Mỹ đã trở về Việt Nam gần 17 năm và đầu tư 250.000USD xây dựng Cty cổ phần Mỹ Lan tại Trà Vinh.
Mười năm đầu, ông sáng lập hoặc đồng sáng lập tám doanh nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn Mỹ Lan trở thành nhà sản xuất vật liệu quang điện tử thứ 12 trên thế giới. Bản in offset CTP của Mỹ Lan chiếm hơn 50% thị phần trong nước, xuất khẩu tới 40 quốc gia trên thế giới… Người ta cứ bảo đó là nước ngoài về đầu tư, không ai nghĩ ông trở về từ AI (Artificial intelligence) vì xứ sở này.
“Nghĩ mình là người Việt Nam, đừng nghĩ mình là Việt kiều, thì mình sống thoải mái hơn ở Việt Nam”, TS Nguyễn Thanh Mỹ nói.
Bảy năm nay, nhiều phát minh của ông, từ hệ thống quan trắc theo dõi độ xâm nhập mặn trên sông, khóa thông minh, về đồng hồ nước thông minh, phân bón thông minh và công nghệ chống giả qua điện toán đám mây đã đăng ký và được bảo hộ bản quyền sáng chế tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Đó là những phát minh sau khi ông tuyên bố về hưu ở tuổi 60. Nhưng rồi ông ngộ ra rằng có điều gì đó sai sai khi cuộc đua sản lượng khiến lúa gạo, cây trái, cá tôm dâng lên cao mà dân vẫn nghèo, nông sản phải giải cứu và chuỗi giá trị nông nghiệp cứ như một vòng tròn. Kéo chuỗi ra thành đường thẳng được không?
“Phải làm cho đúng cái đang bị sai” ông nói, chẳng khác nào ông tiến sĩ Việt kiều đang giỡn mặt tử thần. May thay, không ít người có trách nhiệm cũng nhận ra vấn đề khi sản lượng ngút ngàn nhưng không bán được hoặc hàng xuất bị trả về.
TS Nguyễn Thanh Mỹ và thiết bị phát sóng siêu âm khống chế nồng độ tảo. Ảnh: H.L.
Đường đến ngành hàng tỷ đô
“Chúng tôi phát triển mô thức nuôi tôm công nghệ số giàu oxy Tomgoxy để giúp ngành nuôi tôm nước lợ ĐBSCL thâm canh hóa bền vững và hiệu quả hơn trong việc sử dụng tài nguyên đất, nước và năng lượng. Mục tiêu đặt ra: Xuất khẩu 8,4 tỷ USD theo quyết định 79/QĐ-TTG (18.1.2018)”, người về từ AI nói.
Phải mất 18 tháng để tìm ra vấn đề trong “trận đồ” nuôi tôm thâm canh: Hệ thống sục không khí tạo oxy hòa tan hiện tại đang gây ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng cho người làm việc và người ở gần nơi nuôi tôm; Gây cho phân tôm và thức ăn thừa thành các hạt rất mịn phân tán vào nước. Kết hợp với đáy ao gần như phẳng và có đặt các cụm khuếch tán không khí, dẫn đến việc thu gom các hạt mịn chất thải hữu cơ này rất khó khăn để siphon ra ngoài; Thổi mất lượng lớn oxy phân tử hòa tan trong nước được tạo ra từ quá trình quang hợp của tảo vào ban ngày; Tạo ra các hạt mịn trong không khí (airborne particles) có thể mang mầm bệnh được gió thổi lây truyền sang những ao nuôi tôm bên cạnh; Những cụm khuếch tán có lỗ kích cỡ micro và có không khí thổi qua đặt dưới đáy ao là giá thể lý tưởng để khuẩn vibrio phát triển nhanh chóng…
Ông thẳng thắn chia sẻ về các thách thức trong nuôi tôm nước lợ: Năng suất thấp; thất thu do dịch bệnh cao; Thị trường nội địa là nơi tiêu thụ tôm có chất lượng thấp; Khó truy xuất được nguồn gốc; Giá thành sản xuất cao; Ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
“Hệ sinh thái nông nghiệp số kết hợp ứng dụng điện thoại di động thông minh giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số do đơn vị mình phát minh và đây là ứng dụng được các nhà khoa học, ngành chuyên môn đánh giá cao”, theo ông, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp gồm 3 bước: 1/  Số hóa dữ liệu – chuyển đổi văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh sang định dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính. 2/ Số hóa quy trình, tích hợp các thiết bị kết nối internet vào tất cả mọi hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động. 3/ Quản lý số- là quản lý tất cả mọi hoạt động với công cụ số, như ứng dụng di động, các phần mềm…

Nước thải được xử lý trong khu trồng đước cách ly với bên ngoài. Ảnh: H.L.

AI “cây nhà lá vườn”
Lần trước, già một buổi chuyện trò từ trong nhà ra tới ao nuôi chưa thể hình dung toàn cảnh Tomgoxy, lần này chỉ cần 10 phút là có thể hình dung những mấu chốt của quy trình nuôi tôm lót bạt HDPE với mái nổi và mã vạch định danh truy xuất nguồn gốc.
“Đi Trà Vinh, coi Tomgoxy anh kể cho nghe”, TS Mỹ quá hiểu những người anh em của ông – mắt thấy tai nghe – mới có lòng tin. Tomgoxy là cách ông đưa thực tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo tới gần ước mơ tỷ đô la của ngành thủy sản đồng bằng gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Có thực mới vực được đạo”, từ ao nuôi lộ thiên cho tới tay người tiêu dùng, mọi hình ảnh đều công khai: Đọc mã vạch QR với ứng dụng TRACEME; đo cỡ tôm với điện thoại thông minh và giải thuật trí tuệ nhân tạo; nhận dạng bệnh tôm với giải thuật trí tuệ nhân tạo; theo dõi mật độ hại khuẩn vibrio với đĩa thạch; phân loại và đếm mật độ hại khuẩn với ứng dụng TRACEME; phân tích chất nitơ và khoáng trong nước và đo độ quang phổ mẫu nước với máy quang phổ Rynan Spectro 100; đo độ kiềm và độ pH với máy phân tích độ kiềm Rynan Alkalinity Analyzer model 100; Đèn led nhiều màu giúp tôm tăng trưởng nhanh; thu hoạch tôm sau 90 ngày với cỡ tôm khoảng 30 con/kg. Tới công đoạn xử lý tôm với nước đá trước khi đóng gói với công nghệ khí cải tiến, đo nồng độ khí nitơ và carbonic trong khay mẫu; in mã vạch định danh với máy in phun do Rynan Technologies Vietnam sản xuất.
Máy đóng gói với khí cải tiến với 40% khí nitơ và 60% khí carbonic, có thể  đóng  200 khay  mỗi giờ trên máy Rynan RTV – 220… vẫn còn nhiều thứ nữa, tất cả đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của TS Nguyễn Thanh Mỹ. Bạn có thể mua  tôm đạo đức qua nền tảng thương mại điện tử  trên App Traceme; mua sản phẩm gần nhà  từ máy bán thực phẩm Rynan Fresh 100; Bạn có thể mua phần ăn nóng với tôm đạo đức từ máy bán thực phẩm thông minh Rynan SVM 120… chiếc điện thoại di động trở thành “chiếc đèn thần” – cứ click vô mua ngay, thanh toán là có thực phẩm an toàn – tươi ngon – tiện lợi – kinh tế.
Tại sao có tên Rynan Technologies Vietnam? Ông giải thích: đó là những chữ cuối từ tên của các thành viên trong gia đình tôi. Con gái đầu là Christopher (R), tôi là Thanh Mỹ (Y), vợ tôi là Nhàn (N), con gái thứ hai là Christina (A) và con trai út Brian (N).
Rynan là bước ngoặt, hoàn toàn khác lúc Tập đoàn Mỹ Lan được xây dựng (2005). Lần này, Rynan Smart fertilizers (sản xuất phân bón thông minh); Rynan Technologies (thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước…); Rynan Agrifoods (Thương mại điện tử) và Rynan Tomgoxy Vietnam định hình mối liên kết IoT, Big Data, Cloud và AI, với mức đầu tư 7 triệu đô la vào sản xuất “phân khôn” và “phân bón tan chậm có kiểm soát”, đầu tư gấp đôi con số đó vào sản xuất bao bì đóng gói thực phẩm, cung cấp đến các đơn vị phân phối thực phẩm tại Việt Nam và nước ngoài. Thị trường phân bón “ nhiễu sự” và cách bón phân lâu nay hết sức lãng phí nên “phân khôn” – cách gọi của nông dân Đồng Tháp – không chỉ giúp năng suất lúa tăng hơn 10% mà còn giúp tăng thu nhập gần 20%.
Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thiếu nước canh tác cần thiết bị kết nối Internet, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, đo đạc, phân phối và quản lý nước trong nông nghiệp, những giải pháp giúp nông dân giảm phát thải khí nhà kính hơn 50% từ phân bón, canh tác lúa theo quy trình tiết kiệm nước “ướt – khô xen kẽ”, tiết kiệm năng lượng và sức lao động… là bài toán quá khó nhưng đã có Lối ra. “Khó thì tìm cách gỡ”, ông nói, “ Thịt, cá, tôm và những nông sản khác khó trong cách bảo quản, chỉ cần thay đổi nồng độ khí oxy, ni-tơ và carbonic trong bao bì là có thể tăng thời gian bảo quản từ 3 đến 5 lần mà không cần phải dùng đến hóa chất hay đông lạnh. Khí cải tiến và loại bao bì có 5 lớp cản khí cao là công nghệ độc quyền ở Việt Nam, là “món cây nhà lá vườn” của ông.
Giải thuật trí tuệ nhân tạo
Khi đại dịch Covid 19 bùng phát, bên trong những phân xưởng làm việc đều được lắp hệ thống camera hồng ngoại tích hợp giải thuật (Algorithms) trí tuệ nhân tạo.
Khi hệ thống phát hiện người có thân nhiệt trên 38oC sẽ tự động thông báo đến bộ phận y tế liên hệ và xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus Sars-CoV-2. Nếu dương tính sẽ đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh thực hiện xét nghiệm RT-PCR nhằm khẳng định và chẩn đoán mật độ virus Sars-CoV-2. Sau đó, điều trị theo tư vấn của bác sĩ…
Ngay trong tình huống bất cập, người về từ AI vẫn nghĩ ra cách để không phải lùi tới đường cùng. “Tới năm 2025 sẽ về hưu (lần thứ hai)”, ông nói. Bạn bè không tin, ông chỉ có thể về hưu khi đoạn tuyệt với AI, nhưng điều đó sẽ không xảy ra khi mỗi ngày ông nhìn thấy những cái sai sai ngay trên quê hương mình.
Hoàng Lan (theo TGHN)