Một quán cà phê của Starbucks ở Bangkok, Thái Lan. Trong tương lai, Nestle sẽ đóng lon hay đóng hộp một số loại cà phê Starbucks cho thị trường Đông Nam Á.
Các tập đoàn nước giải khát hàng đầu thế giới đã nhận ra cơ hội tăng trưởng mới ở Đông Nam Á khi người tiêu dùng trong khu vực đang có xu hướng chuộng các loại cà phê ít đường hoặc không đường.
Hãng Suntory của Nhật Bản đã giới thiệu nhãn cà phê Boss tại Thái Lan trong tháng 11 này, với ba vị trong đó có cà phê đen. Mức giá 25-35 baht mỗi chai phản ánh sự gia tăng tầng lớp trung lưu trong khu vực bởi mức này cao hơn 20% một ly phê lon bán tại Thái Lan. “Nhãn cà phê Boss sẽ nhắm vào giới văn phòng và những người thích các loại nước uống thượng hạng” – người phụ trách mảng nước giải khát của Suntory Holdings nói.
Thái Lan là thị trường quan trọng của tập đoàn thực phẩm và nước giải khát Suntory Beverage & Food. Doanh số mảng nước giải khát của Suntory tại Thái Lan và Việt Nam chiếm 50% trong tổng doanh số 215 tỷ yen, khoảng 1,88 tỷ USD của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng nước giải khát Nhật Bản sẽ sử dụng mạng lưới phân phối trà mà công ty đã phát triển thông qua các liên doanh từ những năm 2010 với các đối tác địa phương cũng như PepsiCo. Trong tương lai, Suntory có thể đưa cà phê đóng lon đến những thị trường khác trong khu vực.
Tầng lớp trung lưu gia tăng trogn khu vực mang lại thị trường mới cho các hãng nước giải khát, đặc biệt là ở mảng cà phê lon.
Tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á sẽ đạt 350 triệu người vào năm 2030, cao hơn gấp đôi so với tổng số 135 triệu năm 2015 – theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Đông Tây có trụ sở tại Hawaii và các nhà nghiên cứu khác. Tầng lớp này dự đoán sẽ chiếm 51% tổng dân số khu vực vào năm 2030.
Hành vi của người tiêu dùng cũng đang thay đổi. Các loại trà có đường hay trà sữa từ lâu đã được ưa chuộng ở một vùng nổi tiếng với khí hậu nóng ẩm và đồ ăn cay. Nhưng trong những năm gần đây, người tiêu dùng, đặc biệt là người dân thành thị, đang chuyển sang dùng cà phê đen và các loại cà phê không hoặc ít đường khác. Nhận thức cao hơn về sức khỏe trong dịch Covid đã đẩy nhanh xu hướng này.
“Tôi tránh đồ uống có đường và có hương vị. Vì thế, tôi chọn cà phê đen”, một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Bangkok cho biết và nói rằng cô uống ít nhất một tách mỗi ngày.
Thái Lan, Philippines và Malaysia đã áp thuế đối với các loại đồ uống có đường trong giai đoạn 2017-2019 nhằm hạn chế tỷ lệ béo phì. Mức thuế này cũng góp phần thay đổi thói quen người dùng, hướng họ tới cà phê không đường hoặc ít đường
Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nestle đang chuẩn bị đưa đồ uống Starbucks đóng chai và đóng hộp đã phổ biến ở các khu vực khác trên thế giới đến Đông Nam Á vào năm tới. Gã khổng lồ Thụy Sĩ sẽ bán Doubleshot, Frappuccino và các đồ uống khác thông qua các siêu thị và nhà bán lẻ trực tuyến. Nestle sẽ tận dụng tất cả các xưởng đóng chai của riêng mình và các nhà sản xuất địa phương. “Nestle sẽ hưởng lợi từ các cơ hội tăng trưởng mới trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống  đang thu hút người tiêu dùng mới và trẻ hơn”, thông cáo của tập đoàn viết.
Asahi Group Holding – đối thủ của Suntory – đang mở rộng thương hiệu cà phê Wonda trong khu vực. Asahi vừa tung ra sản phẩm đầu tiên là cà phê hòa tan tại Malaysia hồi tháng 10 vừa rồi. Tập đoàn cũng có đưo75c chứng nhận halal dành cho thị trường đa số theo đạo Hồi. Công ty bán các sản phẩm của Wonda ở Singapore và Brunei, cũng sẽ xem xét bán cà phê hòa tan ở các thị trường khác.
Nhu cầu về cà phê dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong khu vực, nơi có các nhà xuất khẩu hạt cà phê lớn là Việt Nam và Indonesia. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường cà phê của 8 nền kinh tế Đông Nam Á đang trên đà đạt 8,1 tỷ USD vào năm 2026, tăng 14% so với mức năm 2020.
Đối với các công ty đa quốc gia để mắt đến những người uống cà phê trong khu vực, “thách thức lớn nhất là giá cả” – một giám đốc của Asahi Group Holdings nói với Nikkei Asia. Ông cho rằng giá thấp hơn so với Nhật Bản và phương Tây khiến lợi nhuận là vấn đề nan giải cho các hãng đồ uống khi xâm nhập thị trường Đông Nam Á.
Bản Tin Thị Trường 
1/ Giá vàng miếng SJC lao dốc mạnh xuống còn 59,8 – 60,6 triệu đồng/lượng, giảm hơn 1,2 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều mua vào – bán ra. Chênh lệch giá hai đầu là 800.000 đồng. Đây là phiên giảm giá mạnh nhất từ đầu tháng 11 đến nay. Giá vàng trên thị trường thế giới có xu hướng giảm còn 1.858 USD/oz. Các nhà phân tích có những ý kiến trái chiều về giá vàng trong tương. CIBC – một tổ chức tài chính hàng đầu tại Canada – nhận định trước tình hình lạm phát tại Mỹ tăng cao, đồng USD sẽ suy yếu so với nhiều ngoại tệ khác giúp giá vàng trong ngắn hạn có thể hướng tới 1.900 USD/ounce. Ngược lại, công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics có trụ sở tại London dự báo kết thúc năm 2021, giá vàng sẽ xuống còn 1.750 USD/ounce.
2/ Hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, ngay cả những hàng hóa mà Việt Nam không dẫn đầu thị trường xuất khẩu. Nếu như giai đoạn 2005-2010, mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn 2011-2015 là 52; giai đoạn trước 2016 đến tháng 9-2021 là 109. Giai đoạn trước năm 2005, tổng số vụ việc khoảng 22 vụ. Tổng số vụ việc cho đến nay là 208 vụ.Tính đến tháng 10-2021, trong số các thị trường kiện phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam thì Mỹ đứng đầu với 37 vụ kiện (tỷ lệ 18,1%), kế đến Ấn Độ 29 vụ kiện (14,2%) và thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ với 24 vụ (11,8%). Nhóm sản phẩm sắt, thép, nhôm và đồng bị kiện nhiều nhất.
3/ Trong tháng 10-2021, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có số doanh nghiệp thành lập mới gần bằng số doanh nghiệp thành lập mới trong cả quý 3-2021. Tăng trưởng xuất khẩu tháng 10 cũng đạt mức tăng 39% so với tháng 9. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, tháng 10-2021, vùng ĐBSCL có 895 doanh nghiệp gia nhập thị trường (544 thành lập mới và 351 quay lại hoạt động), với số vốn đăng ký mới 11.232 tỷ đồng. Cùng thời gian này, toàn vùng có 170 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (88 tạm ngưng hoạt động chờ giải thể và 82 đã giải thể). Long An, Cần Thơ và Kiên Giang là ba địa phương đứng đầu với số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất vùng trong tháng 10, với lần lượt là 81, 74 và 70 doanh nghiệp.
4/ Giá cà phê hôm 19-11 đã rớt mạnh từ mốc cao nhất 10 năm qua trước thông tin lô hàng đầu tiên sắp được giao – trong khoảng 39.700 – 40.600 đồng/kg. Thông tin được cho là đã tác động mạnh lên sàn London vào lúc này là sẽ giao lô hàng đầu tiên của niên vụ cà phê mới, với khối lượng ước khoảng 800 ngàn bao, vào cuối tháng 11 từ khu vực Đông Nam Á. Động thái trên đã làm giảm bớt mối lo nguồn cung, giúp hạ nhiệt giá robusta. Do cước tàu biển tăng cao, lượng tồn kho của khách nước ngoài tại Việt Nam nhiều nhưng tồn kho tại các nước sản xuất và tiêu dùng lại giảm. Dự báo, thặng dư ngành cà phê sẽ thuộc về khâu trung gian phân phối, vì chi phí về logistic đang tăng một cách không bình thường.
5/ Starbucks đã liên kết với Amazon đã khai trương cửa hàng cà phê tự động thanh toán đầu tiên ở khu Manhattan, New York. Cả hai dự định sẽ mở thêm hai cửa hàng nữa trong năm tới. Dù vẫn cần nhân viên pha chế cũng như hỗ trợ khách hàng khi được yêu cầu, mô hình và công nghệ tự động thanh toán Amazon Go sẽ giúp Starbucks không chỉ giảm tải được lượng nhân viên tối thiểu tại mỗi chi nhánh, mà thậm chí giúp họ mở rộng dễ dàng hơn với loại mặt bằng nhỏ gọn hơn, thậm chí cửa hàng trong cửa hàng, hoặc một dạng cửa hàng liên kết. Bên cạnh việc giảm bớt 400 cửa hàng trong vòng 18 tháng, Starbucks đã tập trung nhiều hơn vào các mô hình tinh gọn, cũng như loại cửa hàng phục vụ chủ yếu cho người mua mang đi.
6/ Hãng chip hàng đầu GaN Systems của Canada đã huy động thành công thêm 150 triệu USD, để tiến công vào thị trường xe điện. Với mối quan tâm ngày một sâu sắc về biến đổi khí hậu, cũng như độ ‘hot’ của ngành xe điện, mới đây là đợt IPO khổng lồ của hãng Rivian – chưa bán xe nào nhưng đã đạt vốn hóa hơn 100 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng của các hãng sản xuất ô tô, đã tạo thêm vị thế cho nền tảng vững chắc của GaN Systems. Thực tế là một số hãng như BMW và Toyota đã đầu tư vào công ty này trong nhiều năm qua.
7/ Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya mới đây cho biết trong ngắn hạn nước này chưa có kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em. Ấn Độ trước đó đã phân tích số liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em ở các nước và thấy rằng con số này vẫn còn thấp, thậm chí tại cả những quốc gia đã tiến hành tiêm cho nhóm trẻ vị thành niên từ 12-17 và nhóm trẻ dưới 12 tuổi. Phân tích của Bộ y tế Ấn Độ cho thấy tỷ lệ này là dưới 1%. Ấn Độ hiện đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ZyCoV-D của công ty dược phẩm Zydus Cadila có thể tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, loại vaccine phát triển theo công nghệ DNA này sẽ chỉ tiêm cho người trên 18 tuổi trong chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19.
8/ Theo khảo sát của Reuters, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất vào cuối năm sau, sớm hơn dự báo đầu năm 2023 được đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng 10 vừa rồi. Khảo sát mới nhất của Reuters đưa ra dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất sớm hơn, với mức tăng 25 điểm cơ bản lên 0,25-0,50% trong quý 4-2022, tiếp sau đó là hai đợt tăng nữa vào quý 1 và quý 2-2023. Mức lãi suất mục tiêu của Fed được dự đoán sẽ ở mức 1,25-1,5% vào cuối năm 2023. Lạm phát của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong 30 năm qua vào tháng trước. Giới chuyên gia còn dự đoán lạm phát sẽ vẫn ở trên mức mục tiêu của Fed cho đến ít nhất là năm 2024. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn, trong khi thị trường việc làm của Mỹ lại có dấu hiệu cải thiện.
Lạm phát cao là một mối lo ngại đối với các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Trong đó, nhiều ngân hàng đã hoặc sắp nâng lãi suất. Về phía mình, Fed được dự đoán sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD từ tháng này.
https://bsaonline.vn/singapore-khang-dinh-tiep-tuc-mo-cua-khong-lat-keo/