Cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam là rất lớn nếu biết khai thác thị trường Ấn Độ.

Ấn Độ có thể đắp vào “khoảng trống” bất ổn của thị trường Trung Quốc, song để tiếp cận được thị trường hơn 1,3 tỷ dân này đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa, trong đó trọng tâm là phải làm quen với “lối chơi” mới.

Ấn Độ đã không che giấu tham vọng của mình khi muốn “lấp đầy” khoảng trống thị trường thế giới nói chung và châu Á nói riêng do Trung Quốc để lại bởi dịch Covid-19.

Hồi đầu tháng 3, tờ Deccan Herald (Ấn Độ) đã dẫn lại tuyên bố của ông Deepak Sood, Tổng Thư ký Liên hiệp các phòng thương mại – công nghiệp Ấn Độ (AssoCham), rằng trong khi tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 là vấn đề nghiêm trọng đối với toàn cầu, các nền kinh tế lớn như Ấn Độ phải có nhiệm vụ “lấp đầy” khoảng trống trên thị trường toàn cầu và cần có chiến lược rõ ràng.

Hiện nay, một lượng lớn máy móc, thiết bị kỹ thuật xuất khẩu của Ấn Độ có thể bù đắp được thị trường do Trung Quốc bỏ trống, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp và dệt thảm. Theo đại diện AssoCham, trong vài tháng tới dự báo là khoảng thời gian “vàng” để các nhà xuất khẩu Ấn Độ tiếp cận thị trường tốt hơn khi thiếu vắng những nhà cung cấp cạnh tranh từ Trung Quốc.

Kỳ vọng trên của Ấn Độ không phải không có cơ sở. Nhìn vào quá trình tăng trưởng, kinh tế Ấn Độ trong 3 thập niên qua có vẻ chậm hơn so với Trung Quốc. Nhưng do không phải nước định hướng xuất khẩu như Trung Quốc, nên Ấn Độ không bị ảnh hưởng nhiều từ những biến động bên ngoài, do đó tăng trưởng kinh tế của nước này ổn định hơn.

Thí dụ, thương chiến Mỹ – Trung khiến nhiều quốc gia vốn dựa vào xuất khẩu và có độ mở kinh tế lớn lao đao, ngược lại Ấn Độ tỏ ra ít bị tổn thương, vẫn duy trì được mức tăng trưởng như mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều quốc gia phải điều chỉnh lại cấu trúc nền sản xuất của mình sao cho phù hợp, tránh phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc, thì hiện Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam ở châu Á, và Việt Nam cũng là một trong những thị trường hiếm hoi duy trì xuất siêu vào Ấn Độ.

Năm 2019, kim ngạch song phương 2 nước đạt 11,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ 6,6 tỷ USD (tăng 2,1% so với 2018), chiều ngược lại xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam 4,7 tỷ USD (tăng 8,1% so với 2018). Năm 2020 là mốc thời hạn để 2 nước hoàn thành mục tiêu 15 tỷ USD trong thương mại song phương. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các DN xuất khẩu của 2 nước.

Thực tế, triển vọng xuất khẩu của một số lĩnh vực trong thương mại Việt – Ấn chưa được khai thác hết. Đơn cử như ngành dệt may. Hiện tổng quy mô ngành dệt may của Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ USD, với thị trường nội địa 100 tỷ USD và xuất khẩu trị giá 40 tỷ USD. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam thâm nhập thị trường này trong thời gian tới.

Năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu dệt may và nguyên phụ liệu xơ sợi khoảng 7,6 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ 450 triệu USD (chiếm khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu của ngành may Ấn Độ).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu và bông khoảng 450 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD trong ngành này. Điều này cho thấy dư địa thị trường đối với ngành dệt may trong thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ vẫn còn rất lớn.

Làm quen lối chơi mới

Nhưng thị trường Ấn Độ có những khác biệt rất lớn so với nhiều thị trường khác. Một trong những khó khăn lớn DN xuất khẩu Việt Nam gặp phải là sự bảo thủ khi Ấn Độ đang là thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất châu Á, với hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế ở mức khá cao.

Thuế suất hải quan của Ấn Độ được cắt giảm từ năm 1991, khi nước này tiến hành cải cách kinh tế. Đó là mức cắt giảm từ 150% năm 1991-1992 xuống 35% năm 2001-2002. Ấn Độ vẫn thuộc hàng các nước có mức thuế hải quan cao nhất thế giới. Mức thuế MFN (tối huệ quốc) phổ biến hiện nay của Ấn Độ 34,442%.

Trong “Báo cáo đánh giá thái độ bảo hộ của hơn 180 quốc gia trên thế giới”, WTO đánh giá Ấn Độ nằm trong nhóm các quốc gia sử dụng biện pháp bảo hộ mậu dịch nhiều nhất (101 biện pháp, chỉ sau Argentina 182 biện pháp và Nga 172 biện pháp).

Ấn Độ còn là nước sử dụng nhiều nhất các biện pháp chống bán phá giá. Trong những năm qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, đã khiến nhiều DN xuất khẩu Việt Nam dè dặt khi tiếp cận thị trường này.

Gần đây nhất, đầu tháng 1/2020, Bộ Thương mại – Công nghiệp Ấn Độ đã phát đi thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam, khiến việc xuất khẩu xơ sợi của DN Việt Nam vào thị trường Ấn Độ gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam), từ nhiều năm qua Ấn Độ luôn duy trì chính sách nhất quán chủ trương khuyến khích sản xuất trong nước, sẵn sàng thực hiện chính sách cấm nhập khẩu hoặc một số biện pháp hạn chế đối với hàng hóa các nước khác. Nông sản xuất khẩu của Việt Nam (sợi đàn hồi, hạt điều…) cũng không ngoại lệ. Do đó, dù các hợp đồng thương mại đã được DN 2 bên ký kết, song không thể thực hiện được do rào cản chính sách nhập khẩu.

Đáng chú ý, năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đưa ra sáng kiến “Make in India” nhằm đưa Ấn Độ thành “công xưởng thế giới” mới. Từ đó đến nay, mức độ bảo hộ thương mại của Ấn Độ ngày càng gia tăng.

Hoàng Sơn/SGGP