Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo UBND TP, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế của TP.HCM, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trong lĩnh vực du lịch, tình trạng khách hủy các chương trình đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, hủy các chương trình tham quan du lịch… là phổ biến. Số lượng khách của các doanh nghiệp lữ hành trong 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh. Theo khảo sát từ 22 doanh nghiệp lữ hành quy mô lớn, tổng số khách hủy chương trình tham quan và các dịch vụ du lịch khác là 87.888 khách, thiệt hại về doanh thu là 920,487 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh lưu trú doanh thu giảm bình quân 25,4%; lĩnh vực nhà hàng doanh thu giảm bình quân 31,3%… Dự báo giảm tổng doanh thu 2 tháng (tháng 3 và tháng 4) của 24 khách sạn từ 3 – 5 sao được khảo sát bình quân là 62,5%.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn khi doanh nghiệp phải chịu mức lãi vay ngân hàng khá cao so với tỷ suất lợi nhuận đạt được trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, họ vẫn phải chịu các khoản thuế, bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong khi nguồn nguyên vật liệu sản xuất khan hiếm, thiếu nguồn cung, hoạt động kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đang gặp rất nhiều khó khăn do sức mua giảm nhưng các chi phí để duy trì ổn định hoạt động bán lẻ lại tăng, nhất là các chi phí lao động, hàng hóa, vận chuyển, môi trường… Việc gia tăng lượng hàng tồn kho trên toàn hệ thống đối với các mặt hàng thiết yếu nhằm đủ sức ứng phó với các tình huống xấu hơn cũng tạo thêm áp lực.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020.
UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh.
Về chính sách tài chính, tín dụng, TP.HCM xin Chính phủ cho phép thành phố tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai; giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện vay lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên.
Song song, UBND TP đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức cho vay lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường.
Về chính sách Bảo hiểm xã hội, TP.HCM kiến nghị giãn thời gian nộp bảo Bảo hiểm xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nêu trên do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự; giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp.
UBND TP cũng đề xuất Tổng công ty Hàng không Việt Nam có chính sách phù hợp và linh hoạt trong kinh doanh mạng bay và phối hợp với doanh nghiệp trong phục vụ hành khách; sớm có thông tin chính thức về việc tiếp tục hoặc ngừng các chuyến bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia đang có bùng phát dịch nhanh chóng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành dời vé đi các chặng bay khứ hồi giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản trong 2 tuần cuối tháng 2 từ 6 – 12 tháng trong trường hợp khách dời tour sang thời gian khác.
Đặc biệt, UBND TP cũng đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 – 2021; hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9 giờ 30 – 11 giờ 30). Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điếm trong các tháng 3, 4 và 5.
Theo Thanh Niên