Điểm yếu của hai đại gia McDonald’s và Burger King là sản phẩm không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng Việt.
McDonald’s và Burger King, hai thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng trên thế giới đang có dấu hiệu hụt hơi tại thị trường Việt Nam.
Chinh phục thế giới, hụt hơi ở Việt Nam
Cầm một xiên que cá viên chiên của một thương hiệu Việt, chị Thanh Thúy (quận 3, TP.HCM) thích thú thưởng thức món ăn, thư thái ngắm nhìn dòng xe chạy qua đường. “Thứ này (cá viên chiên) hợp khẩu vị mà giá cũng không quá đắt. Tôi cũng đã đặt chân vào nhà hàng thức ăn nhanh của các đại gia nước ngoài nhưng chủ yếu tò mò là chính chứ không thể ăn thường xuyên vì mau ngán và giá cả cũng không hề rẻ” – chị Thúy cho biết.
Nhiều khách hàng khác cũng đưa ra nhận xét tương tự. “Món ăn thuần Việt là sự lựa chọn hàng đầu của người Việt Nam. Người Việt thích ăn phở, bún bò, hủ tiếu, bánh mì… bán ngoài đường hơn là đi vào một cửa hàng McDonald’s hay Burger King. Đó là chưa kể bánh mì bán ngoài đường có giá thấp hơn rất nhiều so với hai hãng thức ăn nhanh trên” – chị Khánh, nhà ở quận Tân Bình, giải thích thêm. Đây cũng là lý do khiến nhiều hãng thức ăn ngoại đang chật vật tại thị trường nước ta.
Hãng thông tấn CNBC của Mỹ mới đây cảm thán: Hiện nay Burger King có đến hơn 16.000 cửa hàng, McDonald’s với 36.000 cửa hàng trên khắp thế giới nhưng tại thị trường Việt Nam, quy mô hoạt động của hai thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới đang chững lại.
Vì sao vậy? Hãng nghiên cứu thị trường Numbeo chỉ ra McDonald’s và Burger King thua sút tại thị trường Việt Nam vì có mức giá quá cao, thường gấp hai lần so với món ăn Việt. Ngoài ra, họ gặp sức ép cạnh tranh từ các món ăn đường phố.
“Giai đoạn 2016-2018, số lượng người Việt đến cửa hàng thức ăn nhanh ngoại giảm 31%, ngược lại lượng người sử dụng thức ăn đường phố tăng lên 70%. Hiện McDonald’s và Burger King chỉ chiếm 2,8% thị phần thức ăn nhanh tại Việt Nam” – hãng nghiên cứu thị trường Numbeo cho biết.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), người đã đưa rất nhiều thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh, trong đó có Burger King về Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thừa nhận: Kế hoạch mở 60 cửa hàng Burger King để đánh chiếm thị trường chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân một phần do chi phí thuê mặt bằng khá cao nên phải cẩn trọng lựa chọn vị trí nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh. Do đó việc mở rộng quy mô chuỗi buộc phải đi chậm.
Đồ ăn Việt sẽ bóp nghẹt đối thủ ngoại?
Bằng cách học hỏi đối thủ ngoại chuẩn hóa mô hình dịch vụ, am hiểu khẩu vị địa phương, tránh đối đầu trực diện, nhiều doanh nghiệp thức ăn nhanh Việt đã chiếm lĩnh được thị trường và ngày càng mở rộng quy mô chuỗi. “Chúng tôi không sợ cạnh tranh với đối thủ ngoại. Họ có thế mạnh về mọi mặt nhưng chúng tôi cũng có các lợi thế riêng để đối chọi lại” – ông Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Tân Việt Sin, đơn vị chuyên kinh doanh các món ăn vặt, nói.
Tân Việt Sin có lý do để tự tin vì đơn vị này đã mở đến gần 1.000 cửa hàng trên khắp cả nước. Ông Vũ tiết lộ để cạnh tranh trên thị trường thức ăn nhanh cần phải tránh đối đầu với các ông lớn. Chẳng hạn, nếu các thương hiệu McDonald’s, KFC chọn phân khúc khách hàng từ trung lưu trở lên để phục vụ thì Tân Việt Sin chọn phân khúc thấp hơn.
Vẫn theo ông Vũ, một lợi thế khác mà doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ là am hiểu khẩu vị địa phương. Chính món ăn góp phần quan trọng quyết định thành công chứ không phải quy mô chuỗi. “McDonald’s buộc tuân theo một quy chuẩn để lấy đúng phân khúc khách hàng họ nhắm đến. Còn các công ty Việt sẽ điều chỉnh lại vị theo vùng miền, như miền Nam có món ăn hơi ngọt, miền Trung phải mặn hơn một chút”.
Một tên tuổi Việt lớn khác là Golden Gate hiện có hơn 240 nhà hàng tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Tính đến cuối năm 2017, Golden Gate đã kiếm được doanh thu hơn 3.300 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 259 tỉ đồng. Golden Gate tiết lộ một trong những bí quyết để chinh phục khách hàng là có những sự điều chỉnh từ hương vị món ăn tới phong cách phục vụ.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, trên thị trường thức ăn nhanh, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn cạnh tranh ngang ngửa với đối thủ ngoại nếu đội ngũ có khả năng quản trị, sáng tạo. Tiếp theo là phải đảm bảo có sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo và khác biệt nhưng phù hợp với văn hóa, tập quán tiêu dùng của người bản địa.
Quan trọng là người Việt không thích
Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home, đánh giá McDonald’s hay Burger King đã xây dựng được thương hiệu tầm vóc quốc tế với thời gian phát triển rất lâu dài. Họ đã chuẩn hóa được toàn mô hình nhượng quyền và thành công không chỉ tại quê nhà là nước Mỹ mà còn nhiều nước trên khắp thế giới.
“Điểm yếu của hai đại gia này là sản phẩm không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Hay nói cách khác, các loại bánh burger vốn nổi danh ở nước ngoài nhưng người Việt không thích thú. Khi sức mua không đủ lớn, thị trường quá nhỏ thì các thương hiệu này gặp khó là đương nhiên” – ông Tùng phân tích.
Kẻ lỗ đậm, người giậm chân tại chỗ
Đến thời điểm này McDonald’s chỉ có đúng 17 cửa hàng dù ông lớn thức ăn nhanh này bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2014 với dự định mở hàng trăm cửa hàng trong vòng 10 năm. Burger King còn èo uột hơn, khi đến Việt Nam năm 2012 với mức đầu tư hơn 40 triệu USD, mục tiêu mở được 60 cửa hàng trước năm 2016 nhưng đến nay cũng chỉ mới mở được 13 cửa hàng.
Lotteria và Jollibee có khá hơn về quy mô cửa hàng mở rộng khắp các thành phố lớn tại Việt Nam, có điều cũng chưa thấy lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính năm 2017 của Lotteria và Jollibee, hai chuỗi thức ăn nhanh này lần lượt lỗ 433 tỉ và 400 tỉ đồng.
Riêng KFC được đánh giá là khá thành công ở Việt Nam. Nguyên nhân là do hãng này đã thay đổi chính mình để hợp hơn với khẩu vị của dân Việt Nam. Món cơm gà và burger tôm là ví dụ rõ nhất cho sự thay đổi này.
Theo PLO