3 resort Việt nhận giải thế giới về du lịch chăm sóc sức khỏe

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Alibaba ký thỏa thuận với Campuchia thông qua sáng kiến thương mại của Jack Ma
Tập đoàn Alibaba (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc) vừa ký một thỏa thuận với chính phủ Campuchia để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số và lĩnh vực kinh doanh nhỏ của nước này. Động thái này diễn ra trong khuôn khổ thương mại do người sáng lập Alibaba – Jack Ma khởi xướng và thể hiện cam kết của công ty thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc với thị trường Đông Nam Á.
Bộ thương mại Campuchia đã ký thỏa thuận Nền tảng thương mại thế giới điện tử (eWTP) với Alibaba bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) trong tuần này để tăng cường hợp tác trong thương mại điện tử, điện toán đám mây, tài năng kỹ thuật số và du lịch. Sự hợp tác của Alibaba với Campuchia gồm cả việc mở 15 cửa hàng trên nền tảng thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) Alibaba.com, nơi các doanh nghiệp công ty Đông Nam Á có thể tiếp cận người mua tiềm năng từ hơn 200 quốc gia.
Nguồn: https://1thegioi.vn/alibaba-ky-thoa-thuan-voi-campuchia-thong-qua-sang-kien-thuong-mai-cua-jack-ma-207815.html
2. Thị trường Đông Nam Á hấp dẫn các doanh nghiệp phân phối Hàn Quốc
Gần đây làn sóng Hàn Quốc ở Đông Nam Á và các nước khác đã trở nên mạnh mẽ hơn, vì vậy đây là cơ hội và điều kiện tốt để nhanh chóng chiếm lĩnh các thị trường mới. Các nhà phân phối Hàn Quốc từng cạnh tranh khốc liệt để tiến vào thị trường Trung Quốc, gần đây đang cho thấy một hướng đi mới khi nỗ lực hợp tác với các công ty tại địa phương để chiếm lĩnh thị trường Đông Bắc và Đông Nam Á. Cách làm này giúp cho các nhà phân phối Hàn Quốc có thể nắm bắt nhanh tình hình thị trường địa phương, đồng thời rút ngắn thời gian tiến vào thị trường địa phương khi không cần phải trải qua các thủ tục hành chính khó khăn khác nhau trong quá trình mua đất hoặc lựa chọn cửa hàng.
Một lãnh đạo ngành phân phối cho biết các nhà phân phối Hàn Quốc thường áp dụng chiến lược bán quyền kinh doanh nhượng quyền cho các công ty địa phương, nhận hoa hồng và lấy các cửa hàng này làm cơ sở để xuất khẩu sản phẩm độc quyền của thương hiệu (private brand·PB) hoặc sản phẩm Hàn Quốc. Chiến lược này được đánh giá là có hiệu quả vì thời gian thuê nhân lực có thể được giảm bớt do có thể thực hiện thông qua các công ty địa phương, trong khi chi phí và nguồn lực có thể được sử dụng để phát triển hệ thống và sản phẩm.
Nguồn: https://bnews.vn/thi-truong-dong-nam-a-hap-dan-cac-doanh-nghiep-phan-phoi-han-quoc/312333.html
3. Hình thức bán hàng qua livestream gặp thất bại tại Ấn Độ
Theo Rest of World, thương mại điện tử trực tiếp chưa thực sự phát triển ở Ấn Độ. Người Ấn Độ chi ít tiền cho mua sắm trực tuyến, theo Manohar Singh Charan, giám đốc tài chính của mạng xã hội ShareChat. Cùng một quảng cáo mua sắm trực tuyến có thể kiếm được từ 3 đến 6 USD tại Trung Quốc, song ở Ấn Độ chỉ được khoảng 50 xu đến 1,5 USD.
Dữ liệu do nền tảng The Kredible tổng hợp cho thấy các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử trực tiếp ở nước này đã huy động được tổng cộng 90 triệu USD, song hầu hết đều đóng cửa hoặc bị mua lại với mức định giá thấp. Vào tháng 3, Moj, một nền tảng video ngắn do Google hậu thuẫn, đã phải thu nhỏ quy mô tính năng mua sắm qua video để giảm thiểu tổn thất. Ngoài ra, còn hai công ty nổi bật khác cũng cố gắng phổ biến hóa hoạt động mua sắm qua hình thức phát trực tiếp nhưng không thành công là Bulbul do Sequoia hậu thuẫn và Simsim do YouTube sở hữu.
Nguồn: https://markettimes.vn/livestream-bi-that-sung-tai-1-quoc-gia-chau-a-cac-startup-gan-nhu-sap-bi-ban-trao-tay-nguoi-dan-ngai-mua-sam-truc-tuyen-45627.html
4. Các nền tảng TMĐT tăng trưởng mạnh
Báo cáo tổng quan về sàn TMĐT Việt Nam quý 3/2023 được Metric thực hiện độc lập, dựa trên các số liệu công khai và không bị ảnh hưởng bởi các đơn vị thứ ba, trên 5 sàn TMĐT tại Việt Nam là Shopee, Lazada, SenDo, Tiki, TikTok Shop cho thấy, doanh thu toàn thị trường trong quý đạt hơn 63 nghìn tỷ đồng, với 443 gian hàng phát sinh đơn và 602 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công. Theo đánh giá chung, quý 3/2023 chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu vượt bậc của 5 sàn TMĐT đứng đầu tại Việt Nam hiện nay, đạt mức 22,66%. Đó là con số đầy tích cực trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động.
So với quý 3/2022, quý 3/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh số lượng nhà bán ở mức 12%, tương đương hơn 49,5 nghìn gian hàng dừng hoạt động trên sàn. Trong tương lai, thị trường TMĐT sẽ ngày càng chuyên nghiệp và trở thành sân chơi chính của nhiều doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp có sự đầu tư kỹ lưỡng trong chiến lược kinh doanh. Do vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ, thì việc bị đá bật khỏi thị trường là hệ quả tất yếu xảy ra.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thi-truong-tmdt-viet-nam-shopee-tang-truong-tiki-van-dam-chan-tai-cho-2206227.html
5. Pharmacity và Tracybee ký hợp tác toàn diện
Pharmacity và Tracybee công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với mục tiêu đồng hành ‘Nâng cao nhận biết và lựa chọn các giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động tại nhà hạn chế kháng kháng sinh phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng’. Theo đó, quan hệ hợp tác chiến lược của Pharmacity và Tracybee kỳ vọng được hiện thực hóa bằng các chương trình hướng đến việc nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề sức khỏe và bệnh lý thường gặp liên quan đến hệ hô hấp, đồng thời đưa ra giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động đơn giản tại nhà.
Nội dung hợp tác chiến lược lần này giữa Pharmacity cùng Tracybee đã đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ và cụ thể của hai đơn vị trong nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách bền vững cho người dân bằng chính những sản phẩm chất lượng của Việt Nam. Theo đó, với những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, Tracybee và Pharmacity cùng hướng đến việc sử dụng các sản phẩm một cách hữu hiệu để tăng cường sức khỏe, hướng đến mục tiêu hạn chế tình trạng kháng kháng sinh của một bộ phận người dân Việt Nam.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/pharmacity-va-tracybee-ky-hop-tac-toan-dien-2206090.html

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Khi các sản phẩm bị cho là ‘hết đát’ vẫn lên kệ hàng bày bán
Chung tay đưa các thực phẩm đóng gói có bao bì đã quá ngày ‘Best before’ hoặc ‘Best by’ đến tay người tiêu dùng, Lorraine Koh và Leonard Shee – hai nhà đồng sáng lập công ty thực phẩm Mono Foods – mong muốn sáng kiến của họ có thể đóng góp vào sứ mệnh ngăn chặn lãng phí thực phẩm trên toàn cầu. Để giải tỏa sự lo lắng của khách hàng trước những sản phẩm “bị cho là hết đát” bày bán tại cửa hàng, các nhà sáng lập Mono khẳng định khi một nhà cung cấp liên hệ về việc đóng góp thực phẩm, Mono sẽ yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra chất lượng hoặc đưa ra chứng từ chứng minh sản phẩm vẫn có thể sử dụng.
Tại Mono, các sản phẩm đều được bán với giá rẻ hơn thị trường. Hơn thế nữa, khách hàng có thể trả giá “tùy tâm” trong khoảng giá mà cửa hàng đã đặt ra. Các loại thực phẩm đóng gói sẽ được phân loại và dán với sticker nhiều màu. Mỗi màu sắc tương ứng với giá tiền mà khách hàng có thể chi trả. Mục đích của việc làm này là giúp cho cộng đồng dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người nghèo có thể mua được các sản phẩm.
Nguồn: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/khi-cac-san-pham-bi-cho-la-het-dat-van-len-ke-hang-bay-ban-20231019164042727.htm
2. Nestle lên kế hoạch đóng cửa 1 nhà máy sản xuất sữa bột cho thị trường Trung Quốc
Hãng tin CNN cho hay Nestle đang có kế hoạch đóng cửa một nhà máy sản xuất sữa bột cho trẻ em do tỷ lệ sinh tại Trung Quốc quá thấp, một hệ lụy của tình trạng lão hóa dân số nhanh ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới này vào ngày 18/10/2023 đã tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy sữa bột trẻ em ở Askeaton-Ireland vào quý I/2026 trừ phi tìm được thêm khách hàng mới. Nhà máy này của Nestle chủ yếu sản xuất sữa bột trẻ em cho thị trường Châu Á mà đặc biệt là Trung Quốc kể từ năm 2012.
Hiện Nestle đang tìm kiếm người mua cơ sở sản xuất này nhưng hiện vẫn chưa có thông tin chính thức. Theo CNN, thông tin trên cho thấy đà lão hóa nhanh của dân số Trung Quốc đang ảnh hưởng thế nào đến các tập đoàn kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ở xứ sở tỷ dân này.
Nguồn: https://markettimes.vn/nestle-vua-phai-dong-cua-1-nha-may-sua-bot-o-trung-quoc-vi-ly-do-bat-ngo-45405.html
3. Cuộc khủng hoảng gạo đang trở lại
Thị trường gạo toàn cầu đã rung chuyển khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati hồi tháng 7. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là điểm khởi đầu của một cuộc khủng hoảng kéo dài. Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí học thuật Nature Food, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng nhờ phát triển các giống mới, năng suất đang trì trệ ở 4 quốc gia sản xuất gạo lớn ở Đông Nam Á. Trên toàn cầu, năng suất trung bình tăng 0,9%/năm trong giai đoạn 2011-2021, giảm so với mức 1,2%/năm trong giai đoạn 2001-2011. Nguyên nhân chính cho sự thụt lùi này vẫn là biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C có khả năgn làm giảm năng suất lúa trung bình 3,3%.
Theo các chuyên gia thời tiết, El Nino có thể kéo dài sang năm tới khiến nguồn cung gạo toàn cầu bị thắt chặt hơn nhiều. Đây không phải chỉ là vấn đề giá gạo trong ngắn hạn mà còn là vấn đề cách thế giới đối phó với kiểu thời tiết ngày càng thất thường, cộng thêm sự biến động của giá lương thực toàn cầu. Câu trả lời chính là giao thương nhiều hơn để phân phối thực phẩm tốt hơn trên khắp thế giới. Nhưng nếu khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, các chính phủ có thể sẽ đóng cửa biên giới, tránh xa thị trường toàn cầu. Khi đó, cú sốc hiện tại có thể trở thành một “cú sốc lớn” nếu điều đó xảy ra.
Nguồn: https://markettimes.vn/cuoc-khung-hoang-gao-dang-tro-lai-45675.html
4. Nhiều siêu thị mạnh tay giảm giá gạo trước chu kỳ tăng giá mới
Trong khi giá gạo tiếp tục biến động, nhiều hệ thống siêu thị cho biết vẫn giữ giá mặt hàng này, thậm chí đang áp dụng khuyến mãi giảm giá đậm cho một số loại gạo. Theo các nhà bán lẻ, nhờ ký hợp đồng với các nhà cung cấp gạo từ trước và phối hợp với nhà cung cấp giữ giá nên giá bán gạo đến tay người tiêu dùng tại siêu thị ít biến động hơn so với bên ngoài thị trường. Tuy nhiên, tình huống giá gạo tiếp tục tăng, giá gạo mua vào tăng buộc lòng siêu thị phải điều chỉnh giá bán ra trong thời gian tới.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/gia-gao-ban-le-buoc-vao-chu-ky-tang-moi-nhieu-sieu-thi-manh-tay-giam-gia-20231023205126887.htm
5. Sắp diễn ra Triển lãm Food & Hotel Hanoi 2023
Triển lãm quốc tế lần thứ hai về Thực phẩm, Đồ uống, Thiết bị làm bánh, Nhà hàng, Khách sạn và Cung ứng dịch vụ tại Việt Nam- Food & Hotel Hanoi 2023 sẽ diễn ra từ ngày 21-23/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện do Công ty Informa Markets Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức.
Theo Ban tổ chức, Food & Hotel Hanoi 2023 sẽ chào đón 113 nhà trưng bày đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, dự kiến có sự góp mặt của 11 nhóm gian hàng quốc tế. Với diện tích triển lãm rộng lớn lên đến 6.800 m2, chương trình dự kiến sẽ thu hút hơn 6.500 khách tham quan chuyên ngành. Sự kiện có sự góp mặt của các thương hiệu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và nhiều thương hiệu đến từ Việt Nam.
Nguồn: https://bnews.vn/sap-dien-ra-trien-lam-food-hotel-hanoi-2023/312855.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Diện tích trồng sầu riêng Tây Nguyên tăng quá nhanh
Vài năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh ở Tây Nguyên khiến các địa phương lo ngại sẽ không quản lý được chất lượng, nhất là khi thị trường trong và ngoài nước ngày càng khó tính. Ngày 23-10, ông Phạm Tuấn Anh – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông – cho biết diện tích sầu riêng toàn tỉnh hiện xấp xỉ 10.000 héc ta, trong đó chỉ riêng năm 2022 đến nay đã tăng hơn 3.500 héc ta.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, trong gần 10.000ha sầu riêng hiện tại, khoảng 3.560ha trồng mới từ năm 2022 trở lại đây. Hiện ở tỉnh này có 4.573ha sầu riêng đã cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 45.000 tấn, năng suất khoảng 9,8 tấn/ha. Tương tự, ông Vũ Đức Côn – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk – cho biết hiện toàn tỉnh đã có hơn 28.600ha sầu riêng. Trong số này có gần 3.000ha trồng mới, gần 16.000ha đang ở giai đoạn kiến thiết và gần 10.000ha kinh doanh. Ông Nguyễn Hoài Dương – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk – cho biết ước tính hiện cả nước có hơn 112.000ha sầu riêng (sản lượng khoảng 900.000 tấn), tăng gần 25% trong 5 năm gần đây.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dien-tich-trong-sau-rieng-tay-nguyen-tang-qua-nhanh-20231022123913106.htm
2. Nhà vườn dè dặt trồng hoa Tết
Với dự báo thị trường hoa Tết 2024 sẽ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế khó khăn, các nhà vườn miền Tây đang xuống giống dè dặt. Ngoại trừ làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) kỳ vọng vào Festival hoa Sa Đéc lần đầu tiên được tổ chức tại Sa Đéc, các vùng trồng hoa Tết chuyên canh tại nhiều địa phương khác đều giảm diện tích và hạn chế sản lượng hoa do lo ngại sức mua năm nay sẽ không như kỳ vọng.
Ông Trần Hữu Nghị, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cho biết năm nay là một năm kinh tế khó khăn, dự đoán sức mua trong dịp Tết 2024 sẽ giảm. Dù vậy, người dân ít nhiều sẽ vẫn mua hoa về chưng Tết nên nhà vườn cũng không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, theo ông Nghị, nhà vườn nên chọn phân khúc hoa có giá vừa phải, hợp với túi tiền người dân và hạn chế trồng cây giá cao. Bên cạnh đó, ông Nghị cũng lưu ý người dân cần chủ động nguồn nước tưới bởi dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ gay gắt, dễ ảnh hưởng đến vùng trồng hoa của địa phương.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-vuon-de-dat-trong-hoa-tet-20231024001044931.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Ấn Độ cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trắng
Theo thông báo ngày 18/10 của Tổng cục Ngoại thương, thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, xuất khẩu gạo không phải giống basmati được phép thực hiện thông qua Hợp tác xã quốc gia về xuất khẩu. Chính phủ Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo trắng không phải giống basmati đến Nepal, Cameroon, Côte d’Ivore, Guinea, Malaysia, Philippines và quần đảo Seychelles. Tổng Cục Ngoại thương cho biết 95.000 tấn gạo đã được xuất sang Nepal, 190.000 tấn xuất sang Cameroon, trong khi Côte d’Ivore và Guinea mỗi nước được nhận 142.000 tấn, 170.000 tấn xuất cho Malaysia, 295.000 tấn cho Philippines và 800 tấn xuất sang quần đảo Seychelles.
Hồi tháng 7, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati nhằm tăng nguồn cung cho thị trường nội địa. Hiện xuất khẩu đã được nối lại nhưng phải có giấy phép của chính phủ nhằm giúp một số quốc gia đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/an-do-cho-phep-xuat-khau-1-trieu-tan-gao-trang-20231020154832746.htm
2. Ấn Độ chuẩn bị cấm xuất khẩu đường
Cục Ngoại thương Ấn Độ hôm 18/10 thông báo gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu đường sau ngày 31/10. Theo đó, việc xuất khẩu đường thô, đường trắng, đường tinh luyện và đường hữu cơ sẽ tiếp tục bị siết. Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đường hai năm qua, bằng cách cấp hạn ngạch xuất khẩu cho từng nhà máy. Theo nguồn của Reuters, Ấn Độ có thể cấm hẳn việc xuất khẩu đường trong vụ mới bắt đầu từ tháng này. Đây sẽ là lần đầu tiên họ cấm trong 7 năm qua, do lượng mưa thiếu hụt khiến mùa màng giảm sút.
Giá đường tại Ấn Độ hiện ở mức cao nhất hơn 7 năm. Sản lượng được dự báo giảm 3,3% xuống 31,7 triệu tấn mùa vụ 2023-2024, do lượng mưa giảm sút tại các bang trồng mía hàng đầu là Maharashtra và Karnataka. Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Các khách hàng chính của nước này gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai. Lệnh hạn chế có thể khiến nhiều hãng sản xuất trên thế giới đau đầu, từ nước ngọt, chocolate đến bánh kẹo.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-cuong-quoc-sap-chan-xuat-khau-mot-mat-hang-viet-nam-dang-rat-thieu-anh-huong-ra-sao-45286.html
3. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc lập kỷ lục
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay đạt kim ngạch cao nhất trong hàng chục năm qua. Giá trị xuất cao gấp nhiều lần 4 nước trong nhóm 5 dẫn đầu gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Ba quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng nông sản chiếm 70%, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, với hơn 6,2 tỷ USD. Rau quả tăng 160% cùng kỳ năm 2022, trong đó sầu riêng đạt 1.500.000.000 USD.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-lap-ky-luc-20231023101244141.htm
4. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cho biết do đang vào cuối vụ thu hoạch, lượng lúa gạo dành cho xuất khẩu không còn nhiều, trong khi Indonesia và một số nước liên tục đặt hàng mua gạo Việt Nam cũng tăng liên tục với mức cao nhất trong vài năm qua. Ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho hay gạo 5% tấm được doanh nghiệp này bán với giá 670 – 680 USD/tấn, gạo 25% tấm khoảng 655 USD/tấn, mức giá gạo cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo ông Bình, trừ những doanh nghiệp đã có nguồn hàng, những doanh nghiệp chưa có hàng đều không dám ký hợp đồng mới do ĐBSCL đang vào cuối mùa, nguồn gạo xuất khẩu đã cạn.
Theo ông Trương Mạnh Linh – giám đốc điều hành ngành gạo Tập đoàn Tân Long, trong khi Ấn Độ chưa mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, Philippines đã hết tồn kho, các nước châu Phi cũng tăng nhập hàng… nên Việt Nam tiếp tục có nhiều thuận lợi hơn trong thị trường xuất khẩu gạo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-gao-viet-nam-xuat-khau-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-202310240000269.htm
5. Tiềm năng xuất khẩu xoài Việt Nam sang Hàn Quốc
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Hàn Quốc là thị trường có dung lượng nhập khẩu trái cây tươi lớn, giá trị hơn 1,6 tỷ USD/năm và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Quốc gia châu Á này rất giàu sức mua với thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD/năm, kim ngạch nhập khẩu khoảng 700 tỷ USD/năm. Theo nguồn freshplaza.com, Hàn Quốc ngày càng chuyển hướng tập trung vào trái cây nhiệt đới. Trái cây theo mùa ở Hàn Quốc sẽ có sự thay đổi rất nhiều trong những thập kỷ tới, vì nhiệt độ ấm hơn sẽ dần làm giảm diện tích canh tác đối các loại cây ăn quả phổ biến ở đây. Táo, nho và lê có thể giảm dần tại thị trường Hàn Quốc, trong khi các loại trái cây nhiệt đới như xoài và chanh dây sẽ ngày càng chiếm vị trị quan trọng tại thị trường này.
Do đó, dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu, nhất là trái cây, trong đó có xoài của Việt Nam, sang thị trường Hàn Quốc còn rất lớn. Việt Nam đang là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, tuy nhiên lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,4% tổng lượng xoài nhập khẩu của Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm 2023. Hiện tại, Thái Lan và Peru là 2 thị trường cung cấp chính chủng loại quả xoài cho Hàn Quốc với lượng chiếm 80,3% tổng lượng nhập khẩu.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-loai-qua-viet-nam-dang-duoc-nguoi-han-quoc-cuc-ky-me-man-xuat-khau-tang-trong-9-thang-dau-nam-bo-tui-hon-170-ty-dong-45705.html
6. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ MEGA Show Hong Kong
Khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm đã tham gia Hội chợ MEGA Show Hong Kong 2023 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 20-23/10. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu Việt, giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ, quà tặng, đồ chơi, hàng gia dụng có khả năng phát triển thị trường tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, cũng như giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác nước ngoài, từ đó thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ tại thị trường Hong Kong và các nước khác trên thế giới.
Là triển lãm thương mại lớn nhất khu vực châu Á về đồ thủ công mỹ nghệ, quà tặng, đồ gia dụng và đồ chơi, hàng đầu thế giới về các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng, MEGA Show Hong Kong đã chứng tỏ sức hút của riêng mình như một sân chơi chuyên nghiệp, tập hợp các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới trong ngành hàng tiêu dùng trong nhiều năm qua. Sự kiện này được tổ chức hằng năm, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà xuất nhập khẩu thế giới.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-nam-tham-gia-hoi-cho-mega-show-hong-kong-20231020204419637.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. ‘Ve chai công nghệ’ thúc đẩy phân loại rác tại nguồn
VECA – viết tắt từ “ve chai” – ra đời tháng 4-2021, là ứng dụng kết nối người thu mua ve chai với người bán nhằm tối ưu việc thu gom rác, giúp mọi người phân loại rác dễ dàng. Ứng dụng có 2 phiên bản dành cho người bán và người mua, giúp người bán chủ động về thời gian, người mua có khả năng thu mua được nhiều và tiết kiệm sức lực hơn thông qua ứng dụng. Giá các loại phế liệu được tổng hợp và điều chỉnh chi phối bởi giá thị trường, không do công ty đặt ra, VECA sẽ khảo sát với vựa và người thu mua về giá, được công khai, minh bạch trên ứng dụng.
Trở thành doanh nghiệp công nghệ tiên phong, VECA cung cấp giải pháp thu hồi (thu gom) rác tái chế, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. VECA hướng tới sự lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng chung tay xây dựng văn hóa tiêu dùng bền vững, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn. Hiện nay, việc thu gom qua ứng dụng VECA diễn ra toàn TP Thủ Đức và các quận, huyện của TP HCM.
Nguồn: https://nld.com.vn/moi-truong/ve-chai-cong-nghe-thuc-day-phan-loai-rac-tai-nguon-20231019213313432.htm

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Nghề ‘huấn luyện viên cuộc sống’ phát triển mạnh ở Trung Quốc
Năm 2023, số lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc được dự kiến đạt mức kỷ lục gần 11,6 triệu, nhưng tình trạng việc làm thì đang khan hiếm trong thời điểm nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong môi trường cạnh tranh cao này, việc có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng có thể là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên Trung Quốc cũng phàn nàn về việc các trường đại học trong nước thiếu các lớp định hướng nghề nghiệp chất lượng. Điều này đã mở ra cánh cửa cho ngành huấn luyện cuộc sống.
Không rõ chính xác có bao nhiêu huấn luyện viên cuộc sống ở đất nước tỉ dân, nhưng ngành này dường như đang phát triển nhanh chóng. Số lượng huấn luyện viên cuộc sống từ Trung Quốc đăng ký với Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế đã tăng từ 346 lên 1.383, gấp bốn lần từ năm 2017-2022. Trên thực tế, số lượng huấn luyện viên hành nghề có thể còn lớn hơn nhiều, vì ngành này được quản lý lỏng lẻo và hầu hết các chuyên gia hành nghề mà không có giấy phép.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nghe-huan-luyen-vien-cuoc-song-phat-trien-manh-o-trung-quoc-20231017155355175.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Cá nhân hóa và công nghệ thanh toán thúc đẩy thời trang bền vững
Theo Vogue Business, năm 2023 đã chứng kiến các thương hiệu thử nghiệm chatbot AI để đưa ra các đề xuất sản phẩm siêu cụ thể; triển khai công nghệ tạo kiểu 3D; tích hợp blockchain vào tài khoản khách hàng thân thiết; và đầu tư vào công nghệ để giúp khách hàng chọn quần áo đúng kích cỡ và hợp màu da… Tất cả điều này đã xảy ra khi ngành thời trang tăng cường tập trung vào tính bền vững, điều mà nhiều người mua hàng hiện mong đợi các thương hiệu sẽ mặc định là ưu tiên hàng đầu. Theo Chỉ số Kinh doanh Vogue mới nhất, phần lớn người tiêu dùng xa xỉ trên toàn thế giới kiểm tra thông tin bền vững của các thương hiệu trước khi họ mua sắm. Điều đó đặc biệt đúng với những người mua sắm trẻ tuổi, khi 65% người là dưới 35 tuổi.
Trong khi một số nhà bán lẻ đang thể hiện những nỗ lực rõ ràng hướng tới các hoạt động bền vững, thì những nhà bán lẻ khác xem xét tăng cường nỗ lực của họ về tính bền vững bằng cách tận dụng tối đa sự phát triển nhanh chóng các giải pháp thanh toán phù hợp. Một giải pháp thanh toán đã thu hút được sự chú ý trong những năm gần đây và có thể giúp giải quyết vấn đề này: mua ngay, trả sau. Chỉ số kinh doanh mới nhất của Vogue cho thấy hầu hết các thương hiệu thời trang xa xỉ hiện nay đều cung cấp tùy chọn thanh toán này. Nó có thể là một lựa chọn hấp dẫn đối với những người tiêu dùng trẻ tuổi đang gặp khó khăn bởi mức giá ban đầu cao của các mặt hàng thân thiện với môi trường, cho phép họ chia khoản thanh toán thành nhiều đợt nhỏ hơn. Các chuyên gia cho biết điều này đặc biệt phù hợp với điều kiện kinh tế dự kiến vào năm 2024 và niềm tin của người tiêu dùng liên tục thấp hơn mức trung bình.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ca-nhan-hoa-va-cong-nghe-thanh-toan-thuc-day-thoi-trang-ben-vung-nhu-the-nao.htm
2. Khai mạc 4 triển lãm quốc tế máy móc ngành dệt may ở TP.HCM
Ngày 25-10, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM đã khai mạc 4 triển lãm Quốc tế máy móc ngành dệt may, gồm: Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành Dệt may (VTG 2023), triển lãm Quốc tế lần thứ 21 về nguyên phụ liệu ngành Dệt và may (VITATEX 2023), triển lãm Quốc tế về ngành Nhuộm và Hóa chất (DYECHEM 2023), triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Da Giày và nguyên phụ liệu (VFM 2023). Triển lãm thu hút hơn 500 nhà triển lãm từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Việt Nam… với trên 830 gian hàng.
Nguồn: https://plo.vn/khai-mac-4-trien-lam-quoc-te-may-moc-nganh-det-may-o-tphcm-post758230.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Hong Kong tặng 1 triệu voucher cho du khách trải nghiệm kinh tế đêm
Tổng cục Du lịch Hong Kong (HKTB) vừa triển khai chiến dịch “Trải nghiệm cuộc sống về đêm tại Hong Kong”, gồm một loạt hoạt động vui chơi, lễ hội, sự kiện kéo dài từ tháng 10 đến cuối năm nay. Đặc biệt hơn, kể từ tháng 11, điểm đến này còn dành tặng du khách 1 triệu voucher “Trải nghiệm cuộc sống về đêm tại Hong Kong”, mỗi voucher trị giá 100 đô la Hong Kong. Du khách có thể sử dụng voucher này khi dùng bữa tại các quán bar và nhà hàng sau 6 giờ tối.
Đại diện HKTB cho biết chính quyền Hong Kong đã phát động một loạt chiến dịch du lịch Xin chào Hong Kong, tặng vé máy bay và đưa các ngôi sao điện ảnh cũng như những người có ảnh hưởng đến khám phá… Điểm đến này cũng đang nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh và thu hút du khách, trong đó tập trung vào chợ đêm và các hoạt động triển lãm quốc tế.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hong-kong-tang-1-trieu-voucher-cho-du-khach-trai-nghiem-kinh-te-dem-20231024152318633.htm
2. Lý do người Việt đổ xô đi du lịch nước ngoài
Năm nay các điểm đến nước ngoài gần Việt Nam được đông đảo du khách Việt lựa chọn bởi chi phí hợp lý, điểm đến mới lạ. Theo khảo sát thực tế, các đại lý du lịch, công ty lữ hành công nhận tour đi nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang có mức giá rẻ hơn so với tour du lịch trong nước. Ngoài ra, việc các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay thẳng từ Việt Nam đi các nước cũng tạo thuận lợi cho sở thích du lịch nước ngoài. Trên thực tế, lượng khách du lịch Việt Nam đến một số thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan tăng nhanh theo từng ngày.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cho rằng xu hướng du lịch của người dân hiện nay là tới những địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội và ít tốn kém chi phí. Việc xuất hiện nhiều tour nước ngoài giá rẻ cùng với tâm lý muốn xuất ngoại của người Việt khiến lượng du khách đổ đi nước ngoài tăng mạnh. Trong khi thị trường du lịch quốc tế đang diễn ra sôi động, công ty lữ hành trong nước ghi nhận doanh số ảm đạm, giảm tới 70% so với năm ngoái. Nguyên nhân khiến lượng khách Việt không mặn mà với du lịch nội địa là do giá vé máy bay quá cao, đi kèm phí tham quan ở một số nơi liên tục tăng.
Nguồn: https://tienphong.vn/ly-do-nguoi-viet-do-xo-di-du-lich-nuoc-ngoai-post1579324.tpo
3. Vietravel tiếp tục là công ty lữ hành hàng đầu của du khách Việt trong quí 3
Vietravel tiếp tục là công ty lữ hành hàng đầu của du khách Việt trong quí 3-2023. Saigontourist vẫn giữ vị trí thứ 2, đồng hạng với Vietnam Booking tăng vượt bật từ vị trí thứ 6 ở quí trước lên vị trí thứ 2 của quí 3. Ở vị trí thứ 4 và 5 là Vietnam Tourism – Hà Nội và Đất Việt Tour. Kết quả lựa chọn này dựa vào dữ liệu cập nhật từ mô hình Vietnam Travel Market Tracker, mô hình nghiên cứu và theo dõi hành vi du lịch của du khách Việt được cập nhật mỗi quí do The Outbox phát triển và thực hiện.
Nguồn: https://www.sgtiepthi.vn/vietravel-tiep-tuc-la-cong-ty-lu-hanh-hang-dau-cua-du-khach-viet-trong-qui-3/
4. 3 resort Việt nhận giải thế giới về du lịch chăm sóc sức khỏe
Giải thưởng Destination Deluxe năm 2023 đã vinh danh những đơn vị tốt nhất trong ngành du lịch và chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới ở 25 hạng mục, trong đó có 3 resort ở Việt Nam. Năm nay, Six Senses Ninh Van Bay (Khánh Hòa) thắng giải dành cho khu nghỉ xanh “Eco-Hotel of the Year”, vượt qua 2 resort khác ở Campuchia và Mỹ. Chương trình chăm sóc sức khỏe “Creative Healing Retreat” của khu nghỉ dưỡng TIA Wellness Resort (Đà Nẵng) về Nhì ở hạng mục “Wellness Program of the Year”, xếp sau chương trình “Glowing Flow” của khu nghỉ dưỡng The Heart Retreat (Italy). Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng) thắng giải “Holistic Treatment of the Year” với liệu trình Mi Sol Journey tại khu chăm sóc sức khỏe Mi Sol Spa nằm trong khu nghỉ.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/tu-van/3-resort-viet-nhan-giai-the-gioi-ve-du-lich-cham-soc-suc-khoe-post1054218.vov

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Google bị Nhật Bản điều tra chống độc quyền
Hãng tin Kyodo ngày 23-10 đưa tin Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản thông báo bắt đầu mở cuộc điều tra Tập đoàn công nghệ Google liên quan cáo buộc tập đoàn này gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại thông minh. Google bị nghi ngờ ép buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh tích hợp ứng dụng tìm kiếm của hãng này, đồng thời đặt biểu tượng của hãng ở những vị trí cụ thể trên điện thoại.
Google cũng ký hợp đồng với nhà sản xuất thiết bị Android để không tích hợp các ứng dụng tìm kiếm của đối thủ trên thiết bị. Đổi lại phía nhà sản xuất sẽ được chia phần lợi nhuận thu về từ quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm của Google. Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản sẽ lấy ý kiến của công chúng về vấn đề này đến hết ngày 22-11.
Nguồn: https://tuoitre.vn/google-bi-nhat-ban-dieu-tra-chong-doc-quyen-20231023201156831.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Singapore sẽ nhập khẩu 1,2GW điện tái tạo từ Việt Nam qua cáp ngầm
Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) cho hay đã phê duyệt có điều kiện cho Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU) – một công ty con thuộc Sembcorp Industries Ltd, để nhập khẩu 1,2GW điện carbon thấp từ Việt Nam sang Singapore. Dựa trên đề xuất của Sembcorp Utilities, nguồn điện nhập khẩu sẽ khai thác từ năng lượng gió ngoài khơi và các hình thức phát điện tiềm năng khác thông qua việc hợp tác với Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC). Theo đó, nguồn điện sẽ được truyền từ Việt Nam đến Singapore thông qua các tuyến cáp ngầm mới trên biển, dự kiến có chiều dài khoảng 1.000km.
Vào năm 2021, Singapore đã công bố kế hoạch nhập khẩu đến 4GW điện carbon thấp vào năm 2035. Đến nay, Singapore đã phê duyệt có điều kiện nhập khẩu điện cho các dự án từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm 2GW từ Indonesia, 1GW từ Campuchia và 1,2GW từ Việt Nam. Nếu kế hoạch này thành công, tổng lượng điện nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 30% trong cơ cấu nguồn điện của Singapore vào năm 2035.
Nguồn: https://tuoitre.vn/singapore-se-nhap-khau-1-2-gw-dien-tai-tao-tu-viet-nam-qua-cap-ngam-2023102416262008.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Nhật Bản muốn hút tiền ‘nhàn rỗi’ vào kênh đầu tư cho startup
Theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Nhật hiện không thể chi quá 500.000 yen (3.339 đô la) mỗi năm vào các công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng. Vì thế, Cơ quan Dịch vụ tài chính (FSA) dự kiến sẽ tăng mức trần lên ít nhất là từ 1 triệu yen (gấp 2 lần) mà các nhà đầu tư nhỏ có thể góp vào các startup chưa niêm yết thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Cùng với đó, FSA dự định sẽ nâng tổng mức vốn startup có thể gọi trên các nền tảng crowdfunding từ 100 triệu yen hiện nay lên 500 triệu yen trong mỗi năm tài chính. Thay đổi của FSA nhằm giúp hệ sinh thái khởi nghiệp nước này có thể tiếp cận với các chương trình tương tự ở Mỹ.
Thực tế, hình thức gọi vốn cộng đồng ở Nhật Bản chậm nhiều năm so với Mỹ, và việc gọi vốn đã theo phương hướng tăng trưởng khác theo hướng đây là một cách để quyên tiền cho các hội đoàn từ thiện. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Theo Disrupting Japan, trang thông tin chuyên về crowdfunding, từ năm ngoái Nhật Bản đã bắt đầu sửa đổi luật để tận dụng nguồn vốn từ cộng đồng cho các dự án mới, ý tưởng mới. Đợt sửa đổi quy định sắp tới (dự kiến áp dụng vào 2024) của FSA là một sức đẩy mới cho các startup Nhật Bản. Chuyển tiền tiết kiệm của hộ gia đình sang đầu tư và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp là hai trong số những mục tiêu chính của Thủ tướng Fumio Kishida. Bằng cách nới lỏng các quy định huy động vốn từ cộng đồng, Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy chu kỳ đầu tư tăng trưởng một cách bền vững và toàn diện.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nhat-ban-muon-hut-tien-nhan-roi-vao-kenh-dau-tu-cho-startup/
2. Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 startup trong thời gian tới
Krithpaka Boonfueng, Giám đốc điều hành của Cơ quan Đổi mới Quốc gia (NIA) cho biết, chính quyền Thái Lan muốn tăng số lượng các startup và cải thiện hiệu suất của nền kinh tế của nước này. Theo đó, Thái Lan muốn có mặt trong danh sách 30 quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ vào năm 2030. Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 công ty khởi nghiệp cho năm lĩnh vực chính là nông nghiệp, y tế, du lịch, quyền lực mềm và năng lượng, bao gồm cả xe điện, trong đó, có 1.500 dự án hoàn toàn mới.
Vì thế, trong giai đoạn 2024-2027, Chính phủ Thái Lan dự định cung cấp 5 tỉ baht (138 triệu đô la) cho các khoản tài trợ và quỹ đầu tư của Cơ quan Đổi mới quốc gia (NIA). Số tiền này tăng gấp 2 lần số tiền được phân bổ trong bốn năm trước đó. Hiện Thái Lan xếp thứ 43 trong Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp vị trí thứ 5 và Malaysia ở vị trí thứ 36.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thai-lan-dat-muc-tieu-phat-trien-10-000-startup-trong-thoi-gian-toi/
3. Doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc rút khỏi Hồng Kông
Vài năm trước, các công ty quốc tế bắt đầu cuốn gói khỏi Hồng Kông vì lo lắng về mối quan hệ thắt chặt của trung tâm tài chính châu Á với Trung Quốc đại lục. Những cuộc ra đi rải rác ban đầu giờ đây trở thành một cuộc rút lui hàng loạt, liên quan đến các ngân hàng, công ty đầu tư và công nghệ. Số lượng công ty Mỹ hoạt động tại Hồng Kông đã giảm bốn năm liên tiếp, xuống còn 1.258 công ty, tính đến tháng 6-2022, thấp nhất kể từ năm 2004. Năm ngoái, số công ty Trung Quốc đại lục đặt trụ sở khu vực tại Hồng Kông đông hơn các công ty Mỹ lần đầu tiên trong ít nhất ba thập niên.
Hồng Kông vẫn có nhiều điểm hấp dẫn để cung cấp cho các công ty phương Tây, bao gồm thuế thấp, thị trường tài chính phát triển tốt và cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Người phát ngôn của chính quyền Hồng Kông khẳng định Hồng Kông là nơi duy nhất trên thế giới hội tụ lợi thế của toàn cầu và lợi thế của Trung Quốc. Hồng Kông vẫn là nơi thu hút các ngân hàng đầu tư toàn cầu đến hoạt động, một phần vì cơ hội từ Trung Quốc đại lục lấn át cơ hội từ các nước châu Á khác. Tuy nhiên, những cơ hội đó đang thu hẹp lại. Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông giảm hơn 13% trong năm nay, trái ngược với các thị trường tăng trưởng ở Mỹ, Nhật Bản và các nơi khác. Thị trường bất động sản của thành phố cũng đang trong cơn suy thoái.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-tang-toc-rut-khoi-hong-kong/

Nhóm tin về tài chính

1. VNBA đề xuất giảm 2% thuế VAT cho các ngân hàng
Ngày 24/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc góp ý kiến đối với dự thảo đề xuất chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 (dự thảo).
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết hoạt động của các TCTD hiện nay cũng hết sức khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao, kết quả hoạt động năm 2023 và năm 2024 của các TCTD dự báo sẽ sụt giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là TCTD quy mô nhỏ, trong khi các TCTD vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vnba-de-xuat-giam-2-thue-vat-cho-cac-ngan-hang-a632682.html
2. Ngân hàng và fintech tăng tốc cuộc đua bán lẻ tại thị trường Đông Nam Á
Các công ty khởi nghiệp fintech ở Đông Nam Á đang mở rộng tín dụng cho những người vay trẻ tuổi, nhiều người trong số họ bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống, ngay cả khi một số ngân hàng lớn nhất khu vực đang gấp rút số hóa hoạt động kinh doanh của họ. Cụ thể, dịch vụ mua sắm ngay và thanh toán sau (buy now, pay later) và các ngân hàng số đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trong việc cung cấp tín dụng lớn tại khu vực, trong bối cảnh việc áp dụng rộng rãi smartphone và sử dụng nền tảng thương mại điện tử cho phép các fintech thu thập dữ liệu khách hàng và sàng lọc ngay cả những người có ít hoặc không có lịch sử tín dụng. Dịch vụ cho vay đang trở thành dịch vụ hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, với nhiều công ty thâm nhập vào lĩnh vực ngân hàng trong năm nay thông qua việc mua lại các hãng cho vay truyền thống hoặc mua cổ phần của những công ty này.
Mặc dù chưa có lịch sử hoạt động lâu dài, nhưng những ‘tay chơi mới’ cũng đang dần cải thiện chất lượng cho vay của họ. Báo cáo của CIIP nhấn mạnh rằng tỷ lệ vỡ nợ của cả fintech và các tổ chức phi ngân hàng truyền thống “chỉ cao hơn một chút so với ngân hàng”. Vào năm 2022, tỷ lệ vỡ nợ trung bình của các fintech là 2,8%, cao hơn đôi chút so với mức 2,5% của các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, giống như hầu hết các công ty khởi nghiệp, nhiều công ty fintech mới đang thua lỗ. Chìa khóa cho sự sống còn của họ sẽ là phục vụ khách hàng một cách bền vững.
Nguồn: https://viettimes.vn/ngan-hang-va-fintech-tang-toc-cuoc-dua-ban-le-tai-thi-truong-dong-nam-a-post170931.html
BSAi