Hong Kong chật vật lấy lại hình ảnh 'thiên đường mua sắm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Sốt muối ăn ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển
Sau khi Chính phủ Nhật Bản tiến hành xả nước nhiễm xạ hạt nhân đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, cùng với việc trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ăn muối i-ốt có thể chống phóng xạ, làm cho nhiều siêu thị ở Hong Kong và Ma Cao (Trung Quốc) phải hứng chịu cơn sốt muối ăn. Nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi người dân tránh hoang mang đổ xô tích trữ muối.
Nguồn:  https://vov.vn/the-gioi/sot-muoi-an-o-trung-quoc-sau-khi-nhat-ban-xa-nuoc-nhiem-xa-da-qua-xu-ly-ra-bien-post1041849.vov

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Nhật Bản đón những vị khách Trung Quốc ‘tiết kiệm’ hơn
Tuần qua, những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đã quay trở lại Nhật Bản, sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế về du lịch theo nhóm tới quốc gia láng giềng này. Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) tin rằng lượng khách Trung Quốc sẽ gia tăng trong tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ về doanh thu từ khách Trung Quốc khó có thể xảy ra như những kỳ vọng của các khu mua sắm, khách sạn và nhà hàng tại Nhật Bản.
Lúc này, ngành du lịch Nhật Bản vẫn chào đón khách Trung Quốc, nhưng với sự thận trọng hơn. Công ty điều hành tour Hato Bus cho biết chỉ khởi động lại tour du lịch bằng tiếng Trung vào tháng 9, nhưng sử dụng các phương tiện nhỏ hơn. Chuỗi cửa hàng Isetan Mitsukoshi cho rằng khách Trung Quốc sẽ không còn mua sắm mạnh tay tại Nhật Bản, khi nhiều thương hiệu cao cấp đã có mặt tại quê nhà của họ. “Tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đang nguội lạnh hơn bao giờ hết và mong muốn tiết kiệm ngày càng tăng”, chuyên gia kinh tế Takayuki Miyajima của Tập đoàn Tài chính Sony cho biết.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/nhat-ban-don-nhung-vi-khach-trung-quoc-tiet-kiem-hon-post1041698.vov
2. Trung Quốc hủy tour, lập danh sách đen mỹ phẩm Nhật Bản sau vụ xả nước thải – cũ
Tiếp theo quyết định của Hải quan Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ thủy sản từ Nhật Bản chỉ vài giờ sau khi nước này tiến hành đợt xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý đầu tiên từ nhà máy Fukushima ra biển, người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng hủy các tour du lịch đến Nhật Bản. Nhiều công ty du lịch Trung Quốc còn cho biết sẽ điều chỉnh hoạt động tiếp thị trong thời gian tới, đặc biệt là kế hoạch quảng bá các tour du lịch trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đầu tháng 10, trong đó có việc không đẩy mạnh tiếp thị các tour sang Nhật Bản trong thời điểm hiện tại hoặc tạm dừng các chương trình tiếp thị liên quan đến du lịch Nhật Bản.
Trong khi đó, nhiều cư dân mạng và người tiêu dùng Trung Quốc tuyên bố sẽ không đến các nhà hàng Nhật Bản, cũng như tẩy chay các sản phẩm của nước này, trong đó có mỹ phẩm. Trên các nền tảng mạng xã hội như Sina Weibo, người dân Trung Quốc đã đăng danh sách đen 31 thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản, gồm SK-II, Shiseido và Muji, thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Trên Xiaohongshu, một nền tảng truyền thông xã hội khác, cư dân mạng cũng tổng hợp danh sách các loại mỹ phẩm Nhật Bản và các lựa chọn thay thế, thu hút sự quan tâm rộng rãi của người xem.
Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-huy-tour-lap-danh-sach-den-my-pham-nhat-ban-sau-vu-xa-nuoc-thai-post1042190.vov
3. Hong Kong chật vật lấy lại hình ảnh ‘thiên đường mua sắm
Số lượng du khách đến đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) không còn nhiều như thời điểm trước năm 2019 và các hạn chế liên quan đến đại dịch trong những năm tiếp theo đã khiến thành phố trở thành khu vực cấm đi lại. Lượng du khách đến trong tháng 6 thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả là chi tiêu của người tiêu dùng yếu. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 thấp nhất trong bất kỳ tháng 6 nào kể từ năm 2011, trừ năm 2019-2022. Sức hấp dẫn ngày càng giảm của trung tâm mua sắm Hong Kong là một trong những thách thức mà họ phải đối mặt khi tìm cách hồi sinh nền kinh tế và hình ảnh trên toàn cầu. Lĩnh vực tài chính vốn sôi động giờ đang gặp phải tình trạng sa thải do thiếu hoạt động giao dịch, trong khi giá thuê văn phòng sụt giảm sau khi một số doanh nghiệp chuyển sang Singapore. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng gây nhiều trở ngại đối với nền kinh tế Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong đã đưa ra hàng loạt chiến dịch trong năm nay để thu hút du khách và cải thiện hình ảnh của thành phố, trong đó có chiến dịch du lịch “Hello Hong Kong”, tặng vé máy bay, mời các ngôi sao điện ảnh và người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội tới Hong Kong. Người đứng đầu ngành tài chính của đặc khu Hong Kong, Paul Chan, trong một bài viết mới đây nói rằng thành phố cần phải cải thiện tính cạnh tranh và khả năng thu hút du khách, bên cạnh đó thành phố sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện, như triển lãm và chợ đêm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/hong-kong-dang-danh-mat-hinh-anh-thien-duong-mua-sam/
4. Khách quốc tế đến TP HCM tăng mạnh
Lượng khách quốc tế đến TP HCM trong 8 tháng tăng mạnh đóng góp vào mục tiêu đón khách quốc tế trong năm của cả nước. Sở Du lịch TP HCM cho biết dù trong tháng 8 khách quốc tế đến thành phố chỉ đạt hơn 350.000 lượt do chưa vào mùa cao điểm đón khách quốc tế (cao điểm từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 đến tháng 4 năm sau) nhưng tính chung 8 tháng cả năm, ngành du lịch thành phố đón hơn 2,71 triệu lượt khách. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng tới 92,3% và đạt 54,3% so với kế hoạch cả năm.
Lượng khách quốc tế đến TP HCM hiện chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Cụ thể, số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy khách quốc tế tới Việt Nam trong 8 tháng đạt 1,2 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, khách quốc tế đến cả nước đạt hơn 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này mới bằng 69,2% cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/khach-quoc-te-den-tp-hcm-tang-manh-20230830132530938.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. 7 xu hướng thương mại kỹ thuật số đang thay đổi ngành bán lẻ
Trong bối cảnh môi trường thương mại kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á, một nghiên cứu gần đây của Shopify đã xác định bảy xu hướng quan trọng mà các nhà bán lẻ phải hiểu và thích ứng. Những xu hướng này, được thu thập từ các cuộc khảo sát liên quan đến các nhà tiếp thị cấp cao trên khắp Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia, đóng vai trò là lộ trình cho các nhà bán lẻ nỗ lực điều hướng sự thay đổi của người tiêu dùng và tích hợp thương mại điện tử vào chiến lược của họ một cách hiệu quả.
Nguồn: https://vneconomy.vn/7-xu-huong-thuong-mai-ky-thuat-so-dang-thay-doi-nganh-ban-le-thich-nghi-hay-la-chet.htm
2. Các đại lý bất động sản Trung Quốc chuyển sang livestream bán nhà ở thời kỳ suy thoái
Khi doanh số bán nhà sụt giảm và giá cũng giảm ngay cả ở những thị trường được thèm muốn như Thượng Hải, tất cả dấu hiệu đều cho thấy sự phục hồi chậm chạp sau COVID-19 buộc các đại lý và nhà phát triển bất động sản phải sáng tạo. Dù không phải là hiện tượng mới ở Trung Quốc nhưng sự phổ biến của livestream đang tăng lên và là điểm sáng hiếm hoi trong một lĩnh vực đang gặp khó khăn. Trên nền tảng Douyin của ByteDance, có hơn 2 triệu người livestream về bất động sản, tổng số giờ phát sóng của các đại lý bất động sản đã tăng gấp đôi vào năm 2022 so với cùng kỳ 2021, theo báo cáo của một công ty tư vấn được hỗ trợ bởi ByteDance. Khi tâm lý người tiêu dùng suy giảm, các nhà phát triển bất động sản đang gánh nặng nợ nần ngày càng lo lắng và phải tìm “phao cứu sinh”. Theo báo cáo nghiên cứu, hơn 4/5 trong số 200 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đang sử dụng Douyin.
Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tận dụng sự chuyển đổi này. Năm ngoái, ứng dụng video ngắn Kuaishou Technology đã thành lập một trung tâm dịch vụ bất động sản được gọi là Những ngôi nhà lý tưởng, với danh sách và buổi livestream được phân loại theo thành phố. Tổng giá trị giao dịch của các ngôi nhà trên Kuaishou Technology đã vượt 10 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022.
Nguồn: https://1thegioi.vn/cac-dai-ly-bat-dong-san-trung-quoc-chuyen-sang-livestream-ban-nha-o-thoi-ky-suy-thoai-204780.html
3. Thương mại điện tử Trung Quốc cạnh tranh bằng giao hàng miễn phí, siêu tốc
Vận chuyển trở thành ‘mặt trận’ mới của các công ty thương mại điện tử Trung Quốc với các dịch vụ giao hàng rẻ hơn, nhanh hơn nhằm giành giật khách. JD.com, sàn thương mại điện tử (TMĐT) của tỷ phú Richard Liu Qiangdong, vừa hạ giá trị đơn hàng tối thiểu để được giao hàng miễn phí từ 99 NDT (326.000 đồng) xuống 59 NDT (194.000 đồng). Đây là lần đầu tiên trong 8 năm công ty cập nhật chính sách giao hàng miễn phí kể từ năm 2016. Những người đăng ký dịch vụ JD Plus sẽ được giao hàng miễn phí không giới hạn, thay vì chỉ 5 lần mỗi tháng như trước. Điều chỉnh được JD.com đưa ra sau khi Cainiao Network – bộ phận logistics của Alibaba – triển khai chương trình giao hàng tại nhà trong một ngày tại 300 thành phố Trung Quốc, cũng như giao hàng trong nửa ngày tại 8 thành phố lớn.
Cước phí vận chuyển và chất lượng dịch vụ là các yếu tố chính quyết định thành công trong cuộc đua mua hàng trực tuyến nóng bỏng ở Trung Quốc. Theo Zhuang Shuai, nhà sáng lập kiêm Giám đốc phân tích hãng tư vấn Bailian, giao hàng miễn phí là một phương pháp hiệu quả để cạnh tranh trong thị trường đông đúc, thu hút người dùng từ những thị trường thấp cấp hơn. Ông chỉ ra Pinduoduo đã nổi lên nhanh chóng nhờ giao hàng miễn phí, áp dụng với nhiều loại hàng hóa bán trên ứng dụng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-canh-tranh-bang-giao-hang-mien-phi-sieu-toc-2181562.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Công ty Rolex muốn mua hãng bán lẻ Bucherer
Công ty Rolex đang muốn mua thương hiệu Bucherer, nổi tiếng trong ngành đồng hồ và trang sức. Thỏa thuận nếu thành công sẽ cho phép hãng đồng hồ lớn nhất Thụy Sỹ mở rộng hiện diện trên nhiều nước. Thông báo của Rolex cho biết, thương vụ nêu trên đang được tiến hành và Bucherer, với hơn 100 cửa hàng bán lẻ trên thế giới, sẽ tiếp tục hợp tác độc lập, giữ thương hiệu và bán cả đồng hồ của các hãng khác. Theo Rolex, quyết định mua lại Bucherer được đưa ra sau khi gia đình kiểm soát thương hiệu này muốn bán và dựa trên quan hệ hàng chục năm giữa hai công ty tư nhân của Thụy Sỹ.
Rolex cho biết mối quan hệ với các đối tác bán lẻ hiện nay, được gọi là “đại lý ủy quyền chính thức của Rolex”, sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, việc mua Bucherer được dự báo sẽ mang lại cho Rolex thêm quyền kiểm soát hơn đối với việc bán đồng hồ của mình, cả các mẫu mới và đã qua sử dụng.
Nguồn: https://bnews.vn/cong-ty-rolex-muon-mua-hang-ban-le-bucherer/304328.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Bùng nổ đầu tư AI giúp doanh thu của hãng chip Nvidia tăng gấp đôi
Cổ phiếu của Nvidia, nhà cung cấp chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế gới, tăng giá tới 9% lên mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 23-8 sau khi công ty công bố mức tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm trước là 101%, lên 13,5 tỉ đô la Mỹ trong ba tháng kết thúc vào tháng 7. Kết quả kinh doanh nói trên thậm chí còn mạnh hơn mức doanh thu 11,2 tỉ đô la mà các nhà phân tích ở Phố Wall dự báo. Lợi nhuận chưa điều chỉnh theo GAAP (các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung) của Nvidia tăng đáng kinh ngạc 429% so với cùng kỳ năm trước, lên 2,7 đô la Mỹ mỗi cổ phiếu, cao hơn vọng của các nhà phân tích.
Tính theo phân khúc, Nvidia báo cáo doanh thu chip dành cho trung tâm dữ liệu là 10,3 tỉ đô la và chip dành cho game là 2,5 tỉ đô la. Cả hai con số này đều cao hơn dự báo. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng giá 220% kể từ đầu năm nay trong bối cảnh nhu cầu đầu tư AI tăng bùng nổ sau màn ra mắt gây sốt của công cụ ChatGPT của OpenAI hồi cuối năm ngoái.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/bung-no-dau-tu-ai-giup-doanh-thu-cua-hang-chip-nvidia-tang-gap-doi/
2. Startup Mỹ dùng AI để phát hiện khoáng sản chính xác gấp 10 lần thông thường
KoBold Metals, một công ty khởi nghiệp tại Mỹ, đang phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) dùng để xác định các mỏ khoáng sản quan trọng với độ chính xác gấp 10 lần biện pháp thông thường. Ra mắt vào năm 2018, theo Nikkei Asia, KoBold Metals có nền tảng AI do Đại học Stanford đồng phát triển để xử lý dữ liệu địa chất của do các hãng tư nhân hoặc nhà nước từ khắp nơi trên thế giới thu thập. Chương trình này có khả năng xác định chính xác nickel, cobalt và các khoáng chất quan trọng khác với độ chính xác gấp 10 lần các phương pháp thăm dò thông thường. Với công cụ mới, Kobold đang thu hút vốn của nhiều nhà đầu tư, gồm các công ty năng lượng, các tý phú như Bill Gates và Jeff Bezos.
KoBold đã huy động được khoảng 195 triệu đô la trong vòng gọi vốn hồi tháng 6. Các quỹ liên kết với Gates và Bezos cũng tham gia, cũng như tập đoàn BHP của Úc, Mitsubishi của Nhật Bản và gã khổng lồ ngành năng lượng Equinor của Na Uy.
Nguồn: https://bsamedia.vn/startup-my-dung-ai-de-phat-hien-khoang-san-chinh-xac-gap-10-lan-thong-thuong/
3. 40% lực lượng lao động toàn cầu cần đào tạo lại kỹ năng vì sự xuất hiện của AI và tự động hóa
Một nghiên cứu mới của IBM tuyên bố rằng ít nhất 40% công nhân sẽ phải đào tạo lại kỹ năng trong 3 năm tới. Kết quả từ một nghiên cứu toàn cầu mới được Viện Giá trị Kinh doanh của IBM công bố – cho rằng “thế giới việc làm đã thay đổi so với chỉ 6 tháng trước.” Do kế hoạch triển khai AI và tự động hóa trong 3 năm tới, các giám đốc điều hành cho biết 40% lực lượng lao động của họ sẽ phải tự đào tạo lại kỹ năng. Điều này có nghĩa là 1,4 tỷ người trong số 3,4 tỷ người trong lực lượng lao động toàn cầu sẽ cần đào tạo lại kỹ năng, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.
Được biết, IBM đã lấy dữ liệu từ một cuộc khảo sát với 3.000 giám đốc điều hành tại 28 quốc gia và một khảo sát từ 21.000 công nhân ở 22 quốc gia. Kết quả cho thấy AI chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi trong lực lượng lao động và doanh nghiệp nhưng không theo hướng xấu đi cho lực lượng lao động. Báo cáo nhận định AI sẽ không thay thế con người, nhưng những người biết cách tận dụng AI sẽ thay thế những người không biết sử dụng AI.
Nguồn: https://viettimes.vn/40-luc-luong-lao-dong-toan-cau-can-dao-tao-lai-ky-nang-vi-su-xuat-hien-cua-ai-va-tu-dong-hoa-post169397.html
4. Công ty tìm kiếm Internet lớn nhất Hàn Quốc ra mắt đối thủ của ChatGPT
Công ty tìm kiếm Internet lớn nhất Hàn Quốc Naver vừa giới thiệu dịch vụ AI tạo sinh để cạnh tranh với ChatGPT ngay trên sân nhà. Theo Naver, Cue – tên dịch vụ AI mới – hiểu rõ văn hóa, bối cảnh, quy định và luật pháp Hàn Quốc, mang đến lợi thế quan trọng trên sân nhà. Tại buổi họp báo công bố, CEO Choi Soo Yeon khẳng định Naver là công ty nắm bắt được suy nghĩ của người Hàn nhất. Bà Choi cho biết Cue sẽ ra mắt vào tháng 9/2023, sau mô hình AI đối thoại Clova X. Cả hai đều dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn HyperClova X, có khả năng xử lý giọng nói và văn bản, kết hợp với các dịch vụ khác như bản đồ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cong-ty-tim-kiem-internet-lon-nhat-han-quoc-ra-mat-doi-thu-cua-chatgpt-2181534.html
5. Các CEO công nghệ Hàn Quốc lo lắng về làn sóng robot bồi bàn giá rẻ Trung Quốc
Hàn Quốc đã sử dụng robot phục vụ trong các nhà hàng như biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu lao động, một phần do cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Robot Hàn Quốc chia sẻ với trang Financial Times, có 5.000 robot phục vụ trong các nhà hàng ở quốc gia này. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành công nghệ ở Hàn Quốc nói với Financial Times rằng họ lo ngại thị trường đang tràn ngập robot giá rẻ Trung Quốc, gây khó khăn cho các nhà sản xuất robot của nước này.
Theo Financial Times, một robot phục vụ do Trung Quốc sản xuất có giá từ 10 triệu đến 30 triệu won (7.500 đến 22.600 USD), bằng khoảng 1/5 giá sản phẩm tương tự của Hàn Quốc. Một giám đốc điều hành giấu tên nói với Financial Times rằng họ đang cố gắng thắng trong cuộc chiến bằng những robot chất lượng tốt hơn, nhưng điều này không hề dễ dàng.
Nguồn: https://1thegioi.vn/cac-ceo-cong-nghe-han-quoc-lo-lang-ve-lan-song-robot-boi-ban-gia-re-trung-quoc-204896.html
6. Gã khổng lồ công nghệ Xiaomi được chính quyền Trung Quốc ‘bật đèn xanh’ sản xuất xe điện
Trong bối cảnh đang dư thừa ô tô điện ở Trung Quốc, gã khổng lồ trong ngành công nghệ Xiaomi đã bất ngờ giành được sự đồng ý của các nhà hoạch định nhà nước để tham gia sản xuất xe điện. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan quản lý các khoản đầu tư mới và năng lực sản xuất trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, đã đồng ý kế hoạch sản xuất EV của Xiaomi có trụ sở tại Bắc Kinh mới đây. Liên doanh của Xiaomi chỉ là liên doanh thứ tư kể từ cuối năm 2017 giành được sự chấp thuận của NDRC.
Xiaomi đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD trong hơn một thập kỷ vào lĩnh vực kinh doanh ô tô và đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt những chiếc ô tô đầu tiên của mình vào nửa đầu năm 2024. Kế hoạch sản xuất xe điện của công ty này nhận được nhiều đánh giá trái chiều vì lo ngại về tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu trong lĩnh vực này đang chậm lại.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/ga-khong-lo-cong-nghe-xiaomi-duoc-chinh-quyen-trung-quoc-bat-den-xanh-san-xuat-xe-dien.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Startup fintech Việt Nam MFast được rót vốn 6 triệu USD
MFast, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam vừa huy động thành công 6 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A. Thương vụ được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners với sự tham gia của 2 nhà đầu tư mới Finnoventure Fund I (quản lý bởi Krungsri Finnovate) và Headline Asia. Ngoài ra, vòng gọi vốn còn có sự đóng góp của các nhà đầu tư trước đó gồm Do Ventures, JAFCO Asia và Ascend Vietnam Ventures.
MFast dự định sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng hoạt động và khai thác tiềm năng phân phối trên toàn quốc. Công ty cũng đặt kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là vào thị trường Philippines vào năm 2024.
Nguồn: https://mekongasean.vn/startup-fintech-viet-nam-mfast-duoc-rot-von-6-trieu-usd-post26312.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Thịt nội lép vế trên sân nhà, khó xuất khẩu
Việt Nam có tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới (khoảng 25 triệu con, tương đương 3,1 triệu tấn). Trong nửa đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 19.000 tấn thịt lợn (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh), trị giá trên 18,4 triệu USD. Với lợn sống, chỉ khoảng 6.800 con. Ở chiều ngược lại, 7 tháng qua, Việt Nam đã chi tới 2,01 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 732 triệu USD; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ ước đạt 752 triệu USD…
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao vì các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn. Nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của nước ta đều cơ bản nhập khẩu và nguồn cung do các doanh nghiệp FDI chi phối nên sản phẩm thịt hiện không thể cạnh tranh được với các nước. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác, chăn nuôi Việt Nam đang rơi vào tình cảnh “sản xuất nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu”. Cả năm ngoái, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD, trong đó xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.
Nguồn: https://tienphong.vn/thit-noi-lep-ve-tren-san-nha-kho-xuat-khau-post1563608.tpo
2. Giá đường thế giới cao kỷ lục: Cảnh báo nạn găm hàng, trục lợi ở trong nước
Sau giá gạo, đến lượt giá đường thế giới tăng “phi mã” trong bối cảnh Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024, bắt đầu từ tháng 10/2023 – đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ. Bối cảnh trên khiến giá đường tại Việt Nam bắt đầu tăng theo thế giới. Trong tháng 8/2023, giá đường trong nước đã tăng lên mức cao nhất vài năm trở lại đây, đạt từ 20.000 – 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, đến ngày 28/8, có công ty đã thông báo giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.
ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, diễn biến thị trường những ngày qua cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu xu hướng này tiếp tục. Mới đây, ngành thực phẩm có công văn kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 – 2024 và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía – đường.
Nguồn:  https://vtc.vn/gia-duong-the-gioi-cao-ky-luc-canh-bao-nan-gam-hang-truc-loi-o-trong-nuoc-ar816140.html
3. Đoàn thanh tra của EC sẽ kiểm tra IUU tại Việt Nam lần thứ 4
Theo Tổng cục Thủy sản, khoảng hơn một tháng nữa đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Đây là lần thứ 4, đoàn thanh tra của EC tiến hành việc này. Theo Tổng cục Thủy sản, việc bị cảnh báo “thẻ vàng” không chỉ làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU mà còn làm suy giảm uy tín của Việt Nam.
Tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, nếu bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng 500 triệu đô la Mỹ/năm. Bên cạnh đó, ngành thủy sản Việt Nam không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt “thẻ đỏ” cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như công việc của nhiều ngư dân. Ngoài ra, việc bị áp “thẻ đỏ” về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành đánh bắt hải sản của Việt Nam vì hiện một số thị trường (ngoài EU) như Mỹ, Nhật Bản… cũng đã có những quy định tương tự như IUU. Vì thế, nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doan-thanh-tra-cua-ec-se-kiem-tra-iuu-tai-viet-nam-lan-thu-4/

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo
Myanmar đang có kế hoạch tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo nhằm kiểm soát giá nội địa tăng cao. Reuters dẫn lời một quan chức của Liên đoàn gạo Myanmar cho biết, nước này sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá gạo trong nước đang tăng cao. Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Myanmar được đánh giá khiến nguồn cung gạo thế giới thêm thắt chặt sau các biện pháp hạn chế tương tự của một số quốc gia trên thế giới, gồm Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hồi tháng trước.
Myanmar cùng một số nước Đông Nam Á như Campuchia đang nổi lên là nguồn cung gạo quan trọng của thế giới sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào 20/7, bên cạnh nguồn cung lớn từ Việt Nam và Thái Lan, vốn đang có sản lượng hạn chế. Hiện Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với khối lượng xuất khẩu hơn 2 triệu tấn mỗi năm, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/myanmar-han-che-xuat-khau-gao-20230825230927057.htm
2. Ấn Độ có động thái mới đối với xuất khẩu gạo
Mới đây Ấn Độ đã áp đặt mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ có hiệu lực ngay lập tức, một động thái có thể làm giảm thêm lượng xuất khẩu từ nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và nâng giá gạo toàn cầu, hiện đang giao dịch gần mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Một đại lý có trụ sở tại Mumbai với một công ty thương mại toàn cầu cho biết lệnh cấm đã thúc đẩy một số người mua tăng mua gạo đồ và nâng giá gạo lên mức cao kỷ lục. Việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm gần đây cho thấy sự nhạy cảm của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đối với lạm phát lương thực trước cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào năm tới.
Nguồn: https://markettimes.vn/an-do-co-dong-thai-moi-doi-voi-xuat-khau-gao-gia-du-kien-tiep-tuc-tang-manh-38811.html
3. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thơm basmati dưới 1.200 USD/tấn
Vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu gạo thơm basmati, loại mặt hàng có giá dưới 1.200 USD/tấn. Biện pháp này nhằm hạn chế khả năng vận chuyển “bất hợp pháp” gạo tẻ thường (non-basmati) dưới dạng gạo thơm basmati cao cấp.
Trong một tuyên bố, Bộ Công thương Ấn Độ cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo Hiệp hội Xúc tiến Nông sản Ấn Độ (APEDA) không đăng ký hợp đồng dưới 1.200 USD/tấn. Một ủy ban dưới sự chủ trì của APEDA sẽ được thành lập để đánh giá các hoạt động trong tương lai. Theo Bộ Công thương Ấn Độ, các hợp đồng xuất khẩu gạo thơm basmati có giá trị từ 1.200 USD/tấn trở lên phải được đăng ký để cấp Giấy chứng nhận đăng ký kiêm phân bổ (RCAC). Các hợp đồng có giá thấp hơn mức giá trần này sẽ được đánh giá bởi một ủy ban do APEDA thành lập.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/an-do-cam-xuat-khau-gao-thom-basmati-duoi-1200-usdtan-post1042143.vov
4. Ấn Độ chuẩn bị cấm xuất khẩu đường
Ba nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết quốc gia này dự kiến sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới bắt đầu từ tháng 10, tạm dừng xuất khẩu lần đầu tiên sau 7 năm do thiếu mưa đã làm giảm năng suất mía. Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại tính đến ngày 30/9, sau khi cho phép họ bán kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ trước.
Cơ quan thời tiết tại quốc gia này cho biết lượng mưa do gió mùa tại các huyện trồng mía hàng đầu của bang Maharashtra phía tây và bang Karnataka phía nam – vốn chiếm hơn một nửa tổng sản lượng đường của Ấn Độ đã thấp hơn tới 50% so với mức trung bình trong năm nay. Một quan chức trong ngành cho biết thêm rằng những cơn mưa rải rác sẽ làm giảm sản lượng đường trong niên vụ 2023/24 và thậm chí làm giảm việc trồng trọt trong niên vụ 2024/25.
Nguồn: https://markettimes.vn/an-do-chuan-bi-cam-xuat-khau-them-mot-loai-nguyen-lieu-la-mat-hang-viet-nam-co-san-luong-8-trieu-tan-nam-38631.html
5. Sau Ấn Độ, Pakistan bất ngờ tuyên bố cấm xuất khẩu đường
Theo Pakistan Today, Ủy ban Điều phối Kinh tế (ECC) của Nội các Pakistan đã phê duyệt lệnh cấm xuất khẩu đường sau khi giá đường tăng lên mức kỷ lục 170 Rs/kg tại thị trường nội địa. Theo thông tin chi tiết, Bộ Nghiên cứu & An ninh lương thực quốc gia (MNFSR) đã trình bản tóm tắt về việc hủy hạn ngạch xuất khẩu đường kèm lệnh cấm xuất khẩu đường. Các nguồn tin cho biết, giá đường trong tháng 4 năm 2023 bắt đầu tăng, bất chấp thực tế là nước này có lượng đường dự trữ 0,99 triệu tấn so với năm trước và một vụ mía bội thu trong năm 2022-23 hiện tại.
Giá đường trên thị trường liên tục tăng cao, gây căng thẳng cho người tiêu dùng có thu nhập hợp pháp và làm gia tăng lạm phát thực phẩm. Tổng cục Thuế liên bang Pakistan đã báo cáo vào ngày 15 tháng 8 năm 2023 rằng 2,27 triệu tấn đường còn lại trong kho sẽ khó đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước cho đến khi bắt đầu mùa nghiền tiếp theo.
Nguồn: https://markettimes.vn/sau-an-do-them-mot-quoc-gia-chau-a-bat-ngo-tuyen-bo-cam-xuat-khau-duong-du-vu-mia-boi-thu-gia-duong-tang-ky-luc-39015.html
6. Trung Quốc cấm nhập thủy sản từ Nhật Bản, doanh nghiệp xuất khẩu Nhật thiệt hại nặng
Theo hãng tin Yonhap ngày 26/8, thị trường thủy sản của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng mạnh từ việc Trung Quốc công bố biện pháp cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản sau khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xả nước bị ô nhiễm từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển hôm 24/8. Không chỉ Trung Quốc đại lục, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng số tỉnh. thành phố trực thuộc trung ương ở Nhật Bản bị cấm nhập khẩu thủy sản từ 5 lên 10. Trước các quyết định trên, ngành thủy sản của đất nước Mặt trời mọc đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của nước này sang Trung Quốc, Hong Kong và Ma Cao (Trung Quốc) chiếm khoảng 40% và nếu tính cả Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thì con số này lên tới 50%. Vì vậy, với việc các thị trường trên siết chặt nhập khẩu hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa trong nước và đẩy giá bán buôn giảm sâu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/trung-quoc-cam-nhap-thuy-san-tu-nhat-ban-doanh-nghiep-xuat-khau-thiet-hai-nang-239752.html
7. Trung Quốc chi 2,2 tỷ USD nhập rau quả Việt Nam, tăng 130%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết 8 tháng, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt 33,2 tỷ USD, giảm 9,5%. Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm, một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ USD tăng tới hai con số như: Rau quả đạt 3,4 tỷ USD (tăng 57,5%); gạo đạt 3,17 tỷ USD (tăng 36,1%); hạt điều đạt 2,3 tỷ USD (tăng 8,9%); cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi đạt 3,2 triệu USD (tăng 26,1%).
Lý giải về sự tăng mạnh của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết do sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc. Trong 8 tháng, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 130% so với năm ngoái. Trong đó, như mặt hàng sầu riêng, chỉ sau một năm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch đã trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sắp tới, mít của Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc khi nhu cầu quốc gia này gia tăng. Đặc biệt, Trung Quốc và Mỹ vừa xem xét cho dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch. Do đó, dự báo xuất khẩu rau quả năm nay có thể cán mốc 5 tỷ USD.
Nguồn: https://tienphong.vn/trung-quoc-chi-22-ty-usd-nhap-rau-qua-viet-nam-tang-130-post1564578.tpo
BSAi