Tiêu điểm:
Vietnam Airlines có thể lỗ đến 60 tỷ đồng mỗi ngày trong năm tới
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã không mấy lạc quan về tình hình kinh doanh của hãng và ngành hàng không trong năm 2021. Trong cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) ngày 5/11 tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Trịnh Hồng Quang nói rằng thị trường hàng không quốc tế vẫn khó khăn và chưa thể hồi phục trong năm 2021. “Điều này cũng gây áp lực lên Vietnam Airlines”, ông phát biểu.
Đối với đường bay nội địa, dự kiến sang năm 2021 sẽ phục hồi và đạt sản lượng vận chuyển hành khách ngang bằng với năm 2019. Tuy nhiên, giá bán vé vẫn quá thấp, thậm chí dưới 50% mức giá năm 2015 do các hãng đều dồn cả vào thị trường nội địa, giá cạnh tranh nhau từng đồng.
“Với tình hình như vậy, dự kiến sang năm 2021 mỗi ngày Vietnam Airlines sẽ lỗ từ 55-60 tỷ đồng. Theo đó, mức lỗ của năm 2021 vẫn sẽ ngang bằng với mức lỗ năm 2020. Do đó doanh nghiệp kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm chỉ đạo SCIC sớm có phương án tăng vốn điều lệ để tháo gỡ khó khăn. Việc này nếu làm ngay còn kịp, chậm trễ để sang quí 1/2021 mới có phương án thì dòng tiền Vietnam Airlines cần khi tăng vốn điều lệ sẽ khó khăn”, ông Trịnh Hồng Quang cho hay.
Các hãng hàng không trên thế giới đến nay nếu không có tài trợ từ chính phủ thì đều đệ đơn phá sản. Do đó, Vietnam Airlines đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam sớm có đánh giá tổng thể ngành hàng không hiện nay để có những quyết sách phù hợp, kịp thời, giúp ngành này có đủ năng lực cạnh tranh với các hãng trên giới.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn kiến nghị có giá trần, điều chỉnh giảm một số khoản phí liên quan đến hoạt động ngành hàng không… Hãng cũng đề nghị cho phép kéo dài thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ của ngành hàng không đến hết ngày 31/12/2021 như giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hàng không…
Báo cáo tài chính 9 tháng của Vietnam Airlines cho thấy hãng đang vật lộn với những khó khăn. Sau khi các đường bay trong nước bắt đầu nhộn nhịp trở lại vào tháng 6 và 7, quí 3 tưởng chừng là thời điểm ngành hàng không bắt đầu phục hồi. Nhưng làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng tiếp tục là đẩy các hãng bay chìm trong thua lỗ. Hãng lỗ đến 10.750 tỷ đồng, khoảng 460 triệu USD, trong ba quý vừa qua.
1/ Korean Air Lines Co., hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc, đã báo cáo khoản lỗ ròng trị giá 385,93 tỷ won (343 triệu USD) trong quý III/2020, so với mức 211,85 tỷ won của cùng kỳ năm trước, do tác động của đại Covid-19. Korean Air đã dừng hầu hết các chuyến bay trên các lộ trình quốc tế kể từ tháng 3/2020, khi nhu cầu đi lại giảm sút mạnh do những lo ngại về dịch. Doanh thu của Korean Air trong quý III/2020 đã suy giảm 53%, từ 3.280 tỷ won xuống còn 1.550 tỷ won. Để vượt qua đại dịch Covid-19, Korean Air đã bán các tài sản không quan trọng để có nguồn vốn hoạt động và bắt đầu sử dụng các máy bay chở khách để vận chuyển hàng hóa. Hồi tháng 9/2020, Korean Air đã đưa thêm hai máy bay B777-300ER vào vận chuyển hàng hóa trên lộ trình đến Mỹ.
2/ Giá vàng SJC đang ở mức 56,20 – 56,70 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.943,2 USD/ounce, tăng tới 40,6 USD, tương đương 2,13% giá trị so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng tăng lên mức cao nhất hơn ba tuần khi đặt cược ngày càng cao vào chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ với hy vọng về gói kích thích kinh tế lớn hơn.
3/ Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10-2020 đạt khoảng 230 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đạt gần 2,72 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm 57,5% thị phần với giá trị xuất khẩu đạt 1,43 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hong Kong và Hà Lan cũng giảm lần lượt là 2% và 3,7%. Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản đều tăng.
4/ Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị Trung Quốc trị giá hơn 11,5 tỷ USD, chiếm 43,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này (hơn 26,4 tỷ USD), đưa Trung Quốc trở thành nhà cung cấp máy móc, thiết bị, phụ tùng số 1 cho Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mặt hàng này từ các nước phương Tây về Việt Nam lại suy giảm. Trung Quốc là đối tác duy nhất có kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng ở Việt Nam, trong khi hầu hết các đối tác khác đều giảm do đại dịch Covid-19. Với Nhật Bản, dù là nhà đầu tư số 1 vào doanh nghiệp công nghiệp ở Việt Nam nhưng kim ngạch nhập khẩu máy móc về Việt Nam cũng giảm.
5/ Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Campuchia đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị hàng hóa Campuchia xuất sang Mỹ tăng 21% lên 4,8 tỷ USD và nhập khẩu theo chiều ngược lại giảm 40% xuống 232 triệu USD. Trả lời phỏng vấn báo Khmer Times, quan chức công vụ thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, Arend Zwartjes cho biết Campuchia được hưởng lợi từ miễn thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Theo cơ chế này, đồ lữ hành gồm vali, túi xách và balô là những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất của Campuchia vào Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu đồ lữ hành của Campuchia vào Mỹ đã tăng từ 50 triệu USD năm 2016 lên gần 1 tỷ USD năm 2019.
6/ Công ty cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến Uber đã thua lỗ 1,1 tỷ USD trong quý 3/2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân, khiến công ty này phải chuyển đổi sang đẩy mạnh dịch vụ giao hàng và đồ ăn. Tổng doanh thu của Uber đã giảm 18% so với kỳ năm ngoái. Xét trên từng khía cạnh, doanh thu từ mảng di động của Uber đã giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số tiền thu được từ Uber Eats – dịch vụ giao đồ ăn và những mặt hàng thiết yếu khác thì đã tăng hơn gấp đôi. Đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu đã cản trở nỗ lực tăng lợi nhuận của Uber. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành vẫn khá lạc quan về hoạt động kinh doanh.
7/ Theo South China Morning Post, riêng tại Hong Kong, khoảng 1,55 triệu nhà đầu tư lẻ đặt cọc 167 tỷ USD để mua cổ phiếu Ant Group. Startup tài chính này, của tỷ phú Jack Ma, đã phải trả lại số tiền này trong hai đợt, đợt đầu tiên vào ngày 4/11. Những người đầu tiên được nhận lại tiền là các nhà đầu tư đã đặt cọc nhưng không đăng ký mua được cổ phiếu Ant Group. Nguồn tin báo chí Trung Quốc cho biết cũng trong ngày 6/11, Ant Group bắt đầu trả lại số tiền khổng lồ 2.830 tỷ USD mà 3,5 triệu nhà đầu tư ở Thượng Hải đã chuyển khoản để mua cổ phiếu công ty. Ant Group cam kết sẽ trả hết tiền cho các nhà đầu tư vào ngày 9/11. HSBC và Ngân hàng Trung Quốc (Hong Kong) là hai trong số những tổ chức tài chính cho vay ký quỹ lớn nhất trong đợt IPO, bị hủy, của Ant Group tại Hong Kong.
8/ Chủ sở hữu người Canada của chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K sẽ mua lại hoàn toàn hoạt động nhượng quyền tại Hong Kong và Macao, thực hiện bước đột phá trực tiếp đầu tiên vào Châu Á trong bối cảnh tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động. Alimentation Couche-Tard sẽ tốn 2,79 tỷ HKD (360 triệu USD) cho 373 cửa hàng Circle K tại khu vực này. ACT, công ty sở hữu hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi và trạm xăng ven đường ở Bắc Mỹ và Châu Âu, sẽ cố gắng hoàn tất thỏa thuận với công ty nhượng quyền Convenience Retail Asia, có trụ sở tại Hồng Kông, vào cuối năm nay cho các cửa hàng trên.
9/ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cam kết nước này sẽ sớm giải ngân khoản hỗ trợ tài chính cho các công ty, doanh nghiệp, công ty và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đợt phong tỏa từng phần trong tháng 11/2020 nhằm kiềm chế sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, chính phủ đã nhất trí về các điều kiện cho khoản hỗ trợ và nếu thuận lợi, việc giải ngân sẽ được triển khai ngay vào cuối tháng này. Gói hỗ trợ lần này dự kiến sẽ trị giá tới 10 tỷ euro (11,8 tỷ USD). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể yêu cầu mức bồi thường tương đương 75% doanh thu bị mất nhưng không được vượt quá 1 triệu euro. Đối với những khoản hỗ trợ cao hơn mức này cần phải được Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận.
10/ Theo đài KBS của Hàn Quốc, Bộ Hải dương và thủy sản nước này cho biết trong năm nay, trên toàn thế giới đã xảy ra 132 vụ tấn công của hải tặc, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 85 thuyền viên bị hải tặc bắt cóc.
Xét theo khu vực, số vụ cướp biển xảy ra trên vùng biển Tây Phi gần Nigeria, Benin, và Togo chiếm phần lớn, với 44 vụ. Có 80 thuyền viên bị bắt cóc trong các vụ cướp biển ở khu vực này, chiếm 94% tổng số người bị hải tặc bắt cóc trên toàn thế giới. Đặc biệt, tại nơi này cũng xảy ra hai vụ bắt cóc tàu. Trong năm nay, đã xảy ra 3 vụ cướp biển có công dân Hàn Quốc bị bắt cóc trên vùng biển ở đây, nên các tàu thuyền Hàn Quốc đi qua vùng biển này cần hết sức chú ý.
Nối tiếp năm ngoái, năm nay, tại vùng biển Somalia, nơi có lực lượng Cheonghae (Thanh Hải) và liên quân Liên hợp quốc đang tác chiến chống hải tặc, đã không xảy ra vụ cướp biển nào. Tuy nhiên, trên vùng biển gần Mozambique, phía Nam Somalia, đã xảy ra ba vụ cướp khi tàu đang neo trên biển. Bộ Hải dương và thủy sản khuyến cáo cá tàu thuyền của Hàn Quốc nên đi đường vòng, tránh các vùng biển nguy hiểm trên, để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, tại vùng biển châu Á, số vụ cướp trên eo biển Singapore cũng đang gia tăng. Các tàu thuyền đi qua vùng biển này nên tăng cường đối phó, như bố trí thêm thuyền viên làm nhiệm vụ canh gác xung quanh bên cạnh số thuyền viên cần thiết thông thường.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 5/11/2020