Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Bong bóng mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc đang xẹp dần
Mua sắm qua phát trực tiếp (livestream), vốn đã trở nên cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Trong đại dịch COVID-19, đây từng là một ngành “hái ra tiền” khi gần một nửa số người dùng Internet ở nước này mua hàng từ các trang thương mại điện tử trực tuyến. Tuy nhiên, “bong bóng” mua sắm trực tuyến qua livestream đã bắt đầu xẹp dần trong năm nay. Giờ đây, những livestreamers đang phải đối mặt với tình trạng lương ngày càng giảm, tăng ca liên tục và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều người trong số họ đang đặt ra những câu hỏi về triển vọng của việc làm này trong tương lai sẽ ra sao?
Theo công ty tư vấn iiMedia Research của Trung Quốc, thu nhập của những người bán hàng livestream đã giảm khoảng 30% từ năm 2022 đến năm 2023, tại các thành phố lớn như Hàng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh. Theo Rui Ma, một chuyên gia phân tích công nghệ Trung Quốc, những người bán hàng trực tiếp đang phải đối mặt với áp lực và sự cạnh tranh lớn hơn do thị trường quá bão hòa. Công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc Zhiyan Consulting cho biết, số lượng các kênh phát trực tiếp trên mọi nền tảng của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần từ năm 2020–2022.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/bong-bong-mua-sam-truc-tuyen-o-trung-quoc-dang-xep-dan-20231013164433347.htm
2.    ‘Đại chiến’ TMĐT Trung Quốc trước lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới
Cuộc chơi thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa những gã khổng lồ Alibaba, JD.com và Pinduoduo khi lễ hội mua sắm trực tuyến ‘Ngày Độc thân’ đang tới gần. Taobao & Tmall của tập đoàn Alibaba đang tìm cách bảo vệ sự thống trị thị trường TMĐT Trung Quốc bằng cách tung ra nhiều phiếu giảm giá lớn cho ngày mua sắm “Lễ Độc thân” (11/11) năm nay, nhằm cạnh tranh trực tiếp về giá với những đối thủ như JD.com và Pinduoduo. Bên cạnh mức giá rẻ, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc tập trung cải thiện trải nghiệm khách hàng, thông qua rút ngắn thời gian giao hàng cũng như một số nâng cấp dịch vụ khác.
Khi thị trường đại lục đang bão hòa và cạnh tranh ở mức cao, những gã khổng lồ TMĐT TQ cũng nhìn sang các khu vực xung quanh như Hồng Kông và Macao để mở rộng mạng lưới cung ứng, hướng đến mục tiêu “go global”. Cainiao và JD Logistics mở rộng sang Hồng Kông (Trung Quốc) vào năm 2018, có chung tham vọng xây dựng mạng lưới logistics mạnh mẽ trên toàn thế giới. Trong đó, JD Logistics kỳ vọng có thể nhân rộng thành công đến các khu vực khác, gồm cả châu Âu và khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dai-chien-tmdt-trung-quoc-truoc-le-mua-sam-truc-tuyen-lon-nhat-the-gioi-2203551.html
3.    Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của IKEA
Trong nhiều năm, Trung Quốc là thị trường lớn thứ năm về doanh thu của Tập đoàn Ingka (Ingka Group), công ty điều hành hầu hết các cửa hàng của IKEA trên toàn cầu, nhưng hiện tại Trung Quốc đã rớt xuống vị trí thứ 10, chiếm 3,6% doanh thu toàn cầu trong năm tài chính 2023, kết thúc vào ngày 31/8.
Giám đốc điều hành (CEO) Jesper Brodin cho biết, Ingka Group vẫn cam kết hợp tác với Trung Quốc, ngay cả khi một số công ty phương Tây đang tìm cách giảm sự hiện diện tại nước này. Ingka Group nhận thấy tiềm năng Trung Quốc sẽ quay trở lại vị thế 5 thị trường hàng đầu của tập đoàn, dựa trên doanh số bán hàng trong những tuần gần đây.
Nguồn: https://bnews.vn/trung-quoc-van-la-thi-truong-quan-trong-cua-ikea/311916.html
4.    Chuỗi nhà thuốc Rite Aid (Mĩ) đệ đơn phá sản
Ngày 15/10, chuỗi nhà thuốc Rite Aid của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản sau khi trải qua thời gian dài doanh số sụt giảm và đối mặt với mối đe dọa pháp lý do bị cáo buộc liên quan đến khủng hoảng opioid. Opioid là loại thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện, chứa một số chất gây nghiện như morphin hay endorphin. Opioid từng gây ra cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau trên toàn nước Mỹ.
Theo một thông cáo báo chí, tập đoàn có trụ sở tại Philadelphia cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ lớn để cơ cấu lại khoản nợ. Họ cũng đã nhận được cam kết cấp vốn mới trị giá 3,45 tỷ USD để giúp công ty tiếp tục hoạt động. Rite Aid có một trong những mạng lưới nhà thuốc lớn nhất ở Mỹ, với 2.100 cửa hàng bán thuốc và sản phẩm y tế cũng như thực phẩm và các mặt hàng vệ sinh.
Nguồn: https://bnews.vn/my-chuoi-nha-thuoc-rite-aid-de-don-pha-san/312039.html
5.    Người Singapore chọn chi tiêu cho sức khỏe thay vì mua hàng xa xỉ
Theo một cuộc khảo sát gần đây của AIA Singapore, khoảng 30% số người được hỏi cho biết không có gì quan trọng hơn việc giữ gìn sức khỏe và tham gia các hoạt động mình yêu thích. Một số còn cho rằng thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng tài sản, họ muốn tăng cường hệ thống miễn dịch – một dấu hiệu cho thấy tác động “không thể xóa nhòa” của đại dịch COVID-19.
Gần như cùng số người được hỏi cho rằng những món đồ xa xỉ và việc tận hưởng cuộc sống thượng lưu không còn quan trọng nữa. Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục đẩy chi phí nhu yếu phẩm hằng ngày tăng cao, họ có thể sẽ lập tức từ bỏ việc vung tiền vào những mặt hàng không thiết yếu nếu cảm thấy cần phải “thắt lưng buộc bụng.”
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-singapore-chon-chi-tieu-cho-suc-khoe-thay-vi-mua-hang-xa-xi/902119.vnp
6.    Lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi lọt ‘tầm ngắm’ của các đại gia bán lẻ
Theo báo cáo của hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng mua sắm những mặt hàng thiết yếu với số lượng ít hơn, nhưng tần suất mua thường xuyên hơn và gần nơi ở hơn. Tại Thái Lan, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi, hiện chủ yếu do Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) kiểm soát, dự kiến sẽ ngày càng gay gắt khi nhiều doanh nghiệp lớn xác định được cơ hội tăng trưởng.
Dẫn đầu cuộc cạnh tranh tại Thái Lan là ông trùm Charoen Siriwattanaphakdi của Tập đoàn Thai Beverage, với tổng tài sản xấp xỉ 1,5 tỷ USD (hơn 55,5 tỷ baht). Ông Charoen có kế hoạch chuyển 30.000 cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc thành “Larn Don Jai” (Cửa hàng yêu thích) thuộc bộ phận kinh doanh cửa hàng tiện lợi của Berli Jucker vào năm 2027. Ngoài Thai Beverage, ông trùm bất động sản Keeree Kanjanapas của BTS Group Holdings và gia đình Chirathivat của Tập đoàn Central cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào doanh nghiệp này.
Nguồn: https://bnews.vn/linh-vuc-kinh-doanh-cua-hang-tien-loi-lot-tam-ngam-cua-cac-dai-gia-ban-le/312095.html
7.    Nền kinh tế độc thân sẽ thay đổi thị trường tiêu dùng Đông Nam Á
Trước đại dịch, nền kinh tế độc thân đã bắt đầu bùng nổ, các doanh nghiệp ngày càng tìm ra nhiều cách thức sáng tạo để thỏa mãn một nhu cầu lâu dài của con người, nhu cầu một mình nhưng không cô đơn. Paul Chang, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard, giải thích rằng xã hội châu Á nói chung đang dần xóa bỏ tâm lý sống theo đám đông và hướng tới mục tiêu hạnh phúc của cá nhân. Điều này đã tạo ra tăng trưởng kinh tế từ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, hiện tỉ lệ hộ gia đình một người lớn đến mức nó đã trở thành một phần quan trọng của thị trường. Tương tự tại Đông Nam Á, Bain & Company nhận định, các doanh nghiệp ở nên thu hút thế hệ Z và các hộ gia đình độc thân vì họ là nhóm người tiêu dùng quan trọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng.
Theo báo cáo kết hợp giữa Meta Platforms, Bain & Company và DSG Consumer Partners, khi các thị trường đạt đến điểm bão hòa, phân khúc hộ gia đình độc thân (hộ gia đình chỉ một người) đang nổi lên như động lực tiêu dùng chính. Trong khi các hộ gia đình độc thân chỉ chiếm 12% tổng số hộ gia đình trong khu vực Đông Nam Á, phân khúc này dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 2,4% trong giai đoạn 2023 – 2030. Đặc biệt, Thái Lan, Singapore và Philippines dự báo tỷ lệ hộ gia đình độc thân tăng thêm 20% vào năm 2030.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nen-kinh-te-doc-than-se-thay-doi-thi-truong-tieu-dung-dong-nam-a.htm
8.    17 triệu sản phẩm hàng Việt bán cho khách toàn cầu trên Amazon
Theo số liệu của Amazon, bất chấp suy thoái kinh tế và những thách thức của thị trường thương mại toàn cầu, xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam qua Amazon bứt tốc mạnh mẽ, tăng trưởng 50%. Trong vòng 12 tháng tính đến đầu tháng 9-2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm cho khách hàng trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%, với hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon, khẳng định sự linh hoạt và bền bỉ của các doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh tế nhiều thách thức.
Nguồn: https://tuoitre.vn/17-trieu-san-pham-hang-viet-ban-cho-khach-toan-cau-tren-amazon-20231017162208613.htm
Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1.      Vượt qua KFC, Popeyes trở thành chuỗi cửa hàng gà lớn thứ 2 ở Mỹ – cũ
Popeyes đã chính thức vượt qua KFC để trở thành chuỗi cửa hàng gà lớn thứ 2 ở Mỹ. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2019, khi Popeyes tung ra món bánh mì kẹp gà vào năm 2019. Món ăn này nhanh chóng trở thành “bom tấn” trong thực đơn và mở ra cuộc chiến bánh mì gà. Các chuỗi cửa hàng burger như McDonald’s và Wendy’s đã bắt kịp xu hướng và bổ sung thêm các sản phẩm riêng. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng thiếu gia cầm.
Trong những năm gần đây, cuộc chiến giữa các chuỗi cửa hàng gà đã và đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Trong năm qua, cả Popeyes và KFC đều mất thị phần vào tay Chick-fil-A.Theo nghiên cứu của Barclays, trong năm qua, thị phần tại Mỹ của KFC đã giảm từ 16,1% xuống 11,3%. Tương tự, Popeyes cũng mất thị phần trong năm qua nhưng vẫn giữ đủ thị phần để không bị đối thủ bỏ xa. Thị phần của chuỗi cửa hàng này ở Mỹ đã giảm từ 15% xuống 11,9%.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/vuot-qua-kfc-popeyes-tro-thanh-chuoi-cua-hang-ga-lon-thu-2-o-my-20231005131841228.htm
2.    Trung Quốc tích cực thu mua lúa mì khắp thế giới
Trung Quốc đang lùng sục nguồn cung lúa mì trên toàn cầu, với lượng nhập khẩu hàng năm đang trên đà đạt mức kỷ lục. Nguyên nhân là do quốc gia này đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung giá rẻ sau khi mưa lớn làm ảnh hưởng tới vụ mùa trong nước. Theo các thương nhân tại quốc gia này, sau đợt tăng giá lúa mì của Úc vào hồi đầu năm, số lượng lớn đã được đặt mua từ các nhà cung cấp lớn khác bao gồm Mỹ, Canada và Pháp. Tổng sản lượng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2023 đã đạt 9,56 triệu tấn, với hơn 60% có nguồn gốc từ Úc. Các thương nhân cho biết người mua đang khảo sát vụ thu hoạch sắp tới của quốc gia Nam bán cầu này để tìm nguồn cung trong tương lai, cũng như theo dõi tình trạng cây trồng ở các nước có khả năng thay thế như Kazakhstan.
Trước đó vào cuối tháng 9, giá lúa mì đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Mặc dù điều đó báo hiệu nguồn cung hiện đang dồi dào, nhưng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc tạo thêm yếu tố bất ổn cho chuỗi cung ứng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước xung đột giữa Nga – Ukraine và các chính sách phòng vệ thương mại.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-loai-hat-bat-ngo-duoc-trung-quoc-lung-suc-khap-the-gioi-la-mat-hang-co-nguy-co-roi-vao-khung-hoang-sau-gao-44749.html
3.    Starbucks kéo dài thời gian mở cửa tại TP.HCM
Ngày nay, thức khuya gần như đã trở thành thói quen của đa số các bạn trẻ. Mỗi người một lý do, mỗi người một “chế độ” thức khuya, nhưng dường như điểm chung của họ là không thể nào đi ngủ sớm được. Thậm chí, có một ý nghĩ đã ăn sâu vào thế hệ trẻ, đó là việc đi ngủ sớm chỉ dành cho… “ông bà anh” mà thôi. Khoảng 11h đêm chỉ cần tìm đến các quán cà phê thâu đêm như Thức Coffee, OFA Coffee, The Factory, Cà phê Chợ,… thì sẽ thấy một không khí đông đúc, tấp nập. Khách đến quán cà phê đa số từ độ tuổi 17 đến dưới 30 và là khách quen của quán.
Mới đây, cửa hàng Stabucks New World nằm tại góc Phạm Hồng Thái & Nguyễn Thị Nghĩa, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo kéo dài giờ hoạt động từ 6h30 – 0h mỗi ngày. Việc kéo dài giờ hoạt động đến khuya với cửa hàng tại trung tâm TP Hồ Chí Minh của Starbucks, theo Chuyên gia nhân chuỗi và nhượng quyền Phùng Thanh Ngọc đánh giá, là phù hợp với lifestyle của giới trẻ ngày nay và không hiếm gặp ở các mô hình kinh doanh dịch vụ.
Nguồn: https://markettimes.vn/sau-10-nam-vao-viet-nam-mo-toi-100-cua-hang-nhung-day-la-lan-dau-tien-starbucks-lam-duoc-dieu-nay-44757.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Ra mắt giống lúa có chỉ số đường huyết cực thấp
Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 19-10 tại Manila, Philippines. Đây là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do IRRI (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức. Tại đại hội, các nhà khoa học của IRRI và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) đã giới thiệu lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp.
IRRI cho biết phân loại mức chỉ số đường huyết dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình và cao là 70 trở lên. Dòng lúa được phát hiện mới nhất có chỉ số đường huyết cực thấp là 44. Các dòng lúa chỉ số đường huyết cực thấp giải phóng glucose với tốc độ chậm. Trong khi đó, các giống lúa thông thường có lượng đường tăng đáng kể trong cùng một khoảng thời gian cơ thể tiêu hóa. Phát hiện khoa học này mang tính đột phá, giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có chỉ số đường huyết thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ra-mat-giong-lua-co-chi-so-duong-huyet-cuc-thap-20231017123435366.htm
2.    Giá gạo xuất khẩu tăng nhưng dân buôn gạo đặc sản lại than trời
Sau khi Indonesia thông báo sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm 2023 từ 2 nguồn chính là Việt Nam và Thái Lan, giá lúa gạo trong nước có xu hướng tăng, đặc biệt là các giống lúa thông dụng như: IR 50404, IR 50401, OM18, Đài Thơm 8,… ở mức từ 7.900 – 8.200 đồng/kg.
Mức giá này tương đương với các loại gạo thơm, đặc sản như: ST24, ST25 khiến các vùng trồng gạo đặc sản này bị thu hẹp. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối gạo nội địa cho hay nhiều vùng trồng liên kết nông dân chuyên giống ST25 nông dân chuyển đổi sang trồng giống OM18, Đài Thơm 8 do năng suất cao và dễ trồng hơn, lợi nhuận tốt hơn.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nghich-ly-gia-gao-xuat-khau-tang-nhung-dan-buon-gao-dac-san-lai-than-troi-20231015122520782.htm
3.    Mưa lớn kéo dài, nông dân đảo Lý Sơn thất thu vụ hành Thu Đông
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích hành tím ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sắp đến kỳ thu hoạch bị ngập trong nước, thất thu nặng. Vụ hành Thu Đông canh tác trong điều kiện mưa bão triền miên, nhưng nông dân Lý Sơn luôn đánh cược với vụ hành nhiều may rủi này, bởi đây là một trong bốn vụ hành lớn nhất trong năm và cho thu nhập cao nếu trúng mùa.
Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới, toàn bộ diện tích hành chưa thu hoạch cầm chắc giảm năng suất, sản lượng thậm chí là mất trắng. Mất mùa hành, nông dân Lý Sơn sẽ chồng chất khó khăn, bởi kế cận sẽ cần vốn đầu tư cho vụ tỏi Đông Xuân.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/mua-lon-keo-dai-nong-dan-dao-ly-son-that-thu-vu-hanh-thu-dong-post1053175.vov
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1.    Lào tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng nhập khẩu
Theo Thông tấn xã Lào (KPL), Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith đã ban hành nghị định áp thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với một số hàng hóa nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ nhằm giảm dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Cụ thể, Nghị định số 003 của Chủ tịch nước Lào ban hành ngày 9/10 tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe jeep và xe sedan sử dụng nhiên liệu, đồ uống có cồn, thuốc lá, nước ngọt và máy đánh bạc và tất cả các loại thiết bị đánh bạc có giấy phép hoạt động còn hiệu lực.
Nguồn:   https://markettimes.vn/lang-gieng-viet-nam-vua-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-mot-loai-hang-hoa-tuong-chung-binh-thuong-nhung-ganh-thue-suat-220-44825.html
2.    Xuất khẩu rau quả phá kỷ lục lịch sử
Rau quả luôn là nhóm hàng ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu ngành hàng này nay đã vượt kỷ lục lịch sử kim ngạch 3,81 tỷ USD của năm 2018. Nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD khi vẫn còn 3 tháng cuối năm.
Các mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong top 5 thị trường này, riêng chỉ có thị trường Mỹ giảm nhẹ, các thị trường còn lại khác đều có sự tăng trưởng mạnh. Điển hình thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả đã đạt trên 2,26 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 18%, Nhật Bản tăng 6%. Trung Quốc cũng là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu với gần 64%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-rau-qua-pha-ky-luc-lich-su-20231016064645548.htm
3.    Xuất khẩu tôm khó cao như năm 2022
Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021. Tuy nhiên năm nay tình hình không mấy khả quan, khi xuất khẩu sang các thị trường chính đều đồng loạt giảm, bên cạnh đó là sự cạnh tranh về giá bán, từ các quốc gia khác như Ecuador và Ấn Độ. Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,6 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia nhận định, sản lượng tôm vẫn sẽ tăng, đạt khoảng 1 triệu tấn các loại. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu khó đạt được như năm 2022.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-tom-kho-cao-nhu-nam-2022-20231015112156326.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

  1. WTO thành lập nhóm định giá carbon toàn cầu
Ngày 17/10, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết tổ chức này sẽ thành lập nhóm đặc trách xây dựng phương pháp định giá carbon toàn cầu, để đảm bảo các kế hoạch đánh thuế nhập khẩu dựa trên lượng phát thải carbon được áp dụng công bằng với các nước đang phát triển.
Phát biểu tại một hội nghị về châu Phi do báo Financial Times tổ chức ở London (Anh), bà Okonjo-Iweala khẳng định giá carbon toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đang phát triển tiếp tục cạnh tranh, khi châu Âu áp dụng thuế nhập khẩu dựa trên lượng khí thải CO2 của một số hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/wto-thanh-lap-nhom-dinh-gia-carbon-toan-cau-20231018144405736.htm

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1.    Bất chấp kinh tế khó khăn, doanh thu rạp chiếu phim Trung Quốc lập kỷ lục mới
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang ảm đạm nhưng các rạp chiếu phim tại nước này liên tiếp đạt kỷ lục trong vài tháng qua khi người dân đổ xô đi xem phim nội địa. Theo dữ liệu từ Dengta và Maoyan, hai ứng dụng theo dõi phòng vé lớn của Trung Quốc, doanh thu phòng vé đạt tổng cộng 23,44 tỷ nhân dân tệ (3,2 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. Đây là con số cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn đó từ trước tới nay. Theo đánh giá của giáo sư Xuguang Chen tại Trường Nghệ thuật thuộc Đại học Bắc Kinh, khi nền kinh tế đang gặp khó khăn thì nhìn từ quan điểm của người tiêu dùng, đi xem phim là một loại hình giải trí phù hợp hơn với nhiều đối tượng khán giả có thu nhập thấp và trung bình.
Trong khi “Barbie” và “Oppenheimer” thống trị phòng vé toàn cầu trong những tháng gần đây thì những bộ phim ăn khách nhất ở Trung Quốc đều là phim nội địa như phim tội phạm “No More Bets”, phim lãng mạn “Lost in the Stars” và phim kỳ ảo “Creation of the Gods I: Kingdom of Storms”. Có thể thấy, những bộ phim ăn khách của Hollywood đang gặp những đối thủ đáng gờm tại thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/bat-chap-kinh-te-kho-khan-doanh-thu-rap-chieu-phim-trung-quoc-lap-ky-luc-moi-20231017120150424.htm
2.    Hãng taxi điện của ông Phạm Nhật Vượng mở rộng sang Lào
CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) – hãng taxi điện do tỉ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập – cho biết đã xúc tiến việc nhập khẩu 150 ô tô điện VinFast vào thị trường Lào để triển khai dịch vụ taxi điện Xanh SM. Theo GSM, đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch tiến ra thị trường nước ngoài của công ty. GSM dự kiến khai trương dịch vụ taxi điện tại Lào ngay trong năm 2023, với quy mô đội xe có thể lên tới 1.000 xe VF 5 Plus và VF e34.
Bước đầu, GSM sẽ phát triển dịch vụ taxi điện, tiến tới phát triển đầy đủ hệ sinh thái dịch vụ, bao gồm cho thuê xe điện cùng các dịch vụ giá trị gia tăng như đặt xe trọn gói, đặt xe du lịch, đặt xe cá nhân hóa… Bên cạnh hoạt động tự doanh, trong tương lai, GSM Lào cũng sẽ triển khai các hoạt động B2B như bán và cho thuê ô tô điện VinFast, tương tự như mô hình đang triển khai tại Việt Nam.
Nguồn: https://viettimes.vn/hang-taxi-dien-cua-ong-pham-nhat-vuong-mo-rong-sang-lao-post170703.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

  1. Thị trường quần áo second-hand triệu đô của châu Phi đi vào thế khó
Bất chấp sự ưa chuộng từ công chúng, thị trường quần áo cũ tại Châu Phi đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ chính phủ. Hồi tháng 8, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni, nhà lãnh đạo nắm quyền từ năm 1986, tuyên bố cấm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng, nói rằng những món đồ này “thuộc về những người đã khuất”. Tuy nhiên, cho đến giờ, các cơ quan thương mại vẫn chưa thực thi lệnh của Tổng thống do lệnh này cần được đưa ra như một lệnh hành pháp.
Chính phủ các nước châu Phi khác cũng đang tìm cách ngăn chặn nguồn vận chuyển của hàng hóa này, cho rằng thị trường quần áo cũ dẫn đến việc bán phá giá và làm suy yếu sự phát triển của ngành dệt may địa phương. Khối thương mại Cộng đồng Đông Phi – bao gồm Burundi, Congo, Kenya, Rwanda, Nam Sudan, Tanzania và Uganda – đã khuyến nghị cấm nhập khẩu hàng may mặc đã qua sử dụng kể từ năm 2016. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên đã không thực thi quy định này một cách hiệu quả do sức ép từ Washington.
Trong khi đó, Hiệp hội thương nhân ở Kampala (Uganda), viết tắt là KACITA, khuyến nghị lệnh cấm nên triển khai theo từng giai đoạn để các nhà sản xuất quần áo địa phương xây dựng năng lực đáp ứng nhu cầu. Tại chợ Owino, lệnh cấm quần áo đã qua sử dụng sẽ là một thảm họa đối với nhiều người. Một số nhà sản xuất quần áo Uganda thừa nhận chất lượng vải sản xuất trong nước thường kém hơn so với quần áo các nước phương Tây. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người thích mua quần áo đã qua sử dụng hơn bởi vì độ bền của chúng.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/thi-truong-quan-ao-secondhand-trieu-do-cua-chau-phi-roi-vao-tam-ngam-20231016162754164.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Gen Z tái định hình ngành du lịch
Số liệu gần đây từ công ty tư vấn Morning Consult cho thấy 52% những người tham gia khảo sát thuộc Gen Z có ít nhất ba chuyến du lịch trong năm qua. Thị hiếu du lịch của Gen Z có xu hướng bị chi phối nhiều bởi các nền tảng mạng xã hội, nên các công ty du lịch cần phải tập trung gia tăng sự hiện diện của mình trên các trang này. Khác với các thế hệ trước, thu nhập không phải là yếu tố có thể cản trở Gen Z khám phá thế giới. Thế hệ trẻ không đợi đến lúc có đủ tiền mới đi du lịch, mà thay vào đó, họ tìm cách đi phù hợp với túi tiền của mình. Động lực đi du lịch của Gen Z cũng khác hơn rất nhiều khi nhóm đối tượng này lại quan tâm hơn đến việc trải nghiệm mạo hiểm, nâng cao sức khỏe tinh thần, tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa…
Để kết nối với khách hàng Gen Z, các công ty du lịch cần đưa ra những sản phẩm, dịch vụ và thông điệp thỏa mãn các kỳ vọng nói trên. Morning Consult dự đoán khi Gen Z ngày càng trưởng thành hơn với sức chi tiêu gia tăng, nhóm đối tượng này có thể sẽ vượt qua cả thế hệ Millennial và trở thành nhóm khách hàng chủ lực của ngành du lịch.
Nguồn: https://bnews.vn/gen-z-tai-dinh-hinh-nganh-du-lich/311975.html
2.    Nhật Bản nhắm đến nhóm khách du lịch siêu giàu
Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản định nghĩa “du khách có giá trị cao” là những người chi tổng cộng 1 triệu yên (7.000 USD) trở lên cho mỗi lần đến Nhật Bản. Theo báo cáo của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, khách du lịch có giá trị cao từ sáu quốc gia – Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia và Trung Quốc – năm 2019 chỉ chiếm 1% tổng số du khách đến Nhật Bản nhưng đóng góp tới 11,5% tổng chi tiêu du lịch.
Nhận thấy giá trị của du lịch hạng sang, chính quyền thủ đô Tokyo đã tham gia nhiều triển lãm thương mại khác nhau, chẳng hạn như sự kiện du lịch hạng sang ILTM Cannes hàng đầu và hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để phát triển nội dung phục vụ khách du lịch cao cấp. Chính phủ Nhật Bản mong muốn mức chi tiêu hàng năm của khách du lịch trong nước, vốn đã giảm trong đại dịch COVID-19 sau khi đạt 4,8 nghìn tỷ yên (785,6 tỷ đồng) vào năm 2019, sẽ đạt 5 nghìn tỷ yên (818,447 tỷ đồng) càng sớm càng tốt và đặc biệt tập trung vào việc thu hút người có thu nhập cao ghé thăm.
Nguồn: https://baotintuc.vn/du-lich/nhat-ban-nham-den-nhom-khach-du-lich-sieu-giau-20231017162714960.htm
3.    Hãng bay giá rẻ Malaysia tạm dừng hoạt động
Hãng bay giá rẻ MYAirline thông báo đình chỉ hoạt động vào cuối tuần trước vì các vấn đề tài chính khi bắt đầu hoạt động dịch vụ hàng không dân dụng chưa đầy 1 năm. Động thái này diễn ra sau một tuần xuất hiện các tin đồn về tình hình tài chính của công ty và “làn sóng” từ chức của ban lãnh đạo, bao gồm cả CEO Rayner Teo. MYAirline cho biết quyết định tạm dừng hoạt động là do áp lực tài chính. Thương hiệu này đang trong quá trình tái cơ cấu cổ đông và đầu tư vốn. Theo nguồn tin nội bộ, một nhà đầu tư đã rút lui vào phút chót.
Anthony Loke – Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia – cho biết rằng hãng hàng không sẽ cần tiếp cận Bộ Giao thông vận tải thông qua Ủy ban Hàng không Malaysia (MAVCOM) để trình bày bất kỳ vấn đề nào mà họ gặp phải và các cơ quan chức năng sẽ cố gắng tạo điều kiện cho họ về vấn đề cấp vốn. Ngoài ra, ông cho biết cơ quan quản lý sẽ xem xét các vấn đề để có thể hỗ trợ về pháp lý.
Nguồn: https://tienphong.vn/hang-bay-gia-re-malaysia-tam-dung-hoat-dong-post1578806.tpo
4.    ‘Mỏ vàng’ du lịch mạo hiểm
Ngành du lịch trên đà phục hồi sau dịch bệnh, trong đó mô hình du lịch mạo hiểm có sự tăng trưởng mạnh về lượng khách nội địa. Sự quan tâm nhiều hơn của khách Việt góp phần quảng bá loại hình dịch vụ tuy không mới nhưng còn ‘non trẻ’ ở Việt Nam. Với hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng trải đều các tỉnh thành ở Việt Nam, khoảng 5-7 năm trở lại đây, du lịch hang động, thác, núi, trekking, cắm trại… không còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước. Các đơn vị khai thác tour chuyến đã xuất hiện nhiều hơn, tận dụng được nguồn nhân sự từ địa phương và thử nghiệm, khám phá thành công nhiều địa điểm, cung đường mới lạ nổi bật ở Quảng Bình, Lâm Đồng, các tỉnh vùng Tây Bắc…Bên cạnh đó, những khó khăn về nhân sự cũng như công tác chuyên môn, năng lực khai thác tour là những hạn chế cần giải quyết để phát triển loại hình này.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/mo-vang-du-lich-mao-hiem-thach-thuc-hang-dau-van-la-nhan-luc/
5.    Khách Mỹ tăng mạnh, Sở Du lịch TP.HCM sang Mỹ quảng bá du lịch
Ngày 17-10, trong khuôn khổ Hội chợ IMEX America 2023 diễn ra tại khu resort Mandalay Bay (Las Vegas), Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức họp báo với các phóng viên báo chí Mỹ nhằm giới thiệu quảng bá mạnh mẽ hơn về hình ảnh, vẻ đẹp con người, đất nước Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho biết buổi họp báo nằm trong chuỗi chương trình xúc tiến ở Mỹ kéo dài từ ngày 17 đến 19-10. Tại đây, gian hàng du lịch Việt Nam – TP.HCM sẽ cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ, tổ chức các hoạt động thu hút đoàn khách MICE đến thành phố với những quyền lợi cụ thể.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng của năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách Mỹ đến Việt Nam cao thứ ba trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất. Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, con số này hoàn toàn có thể cao hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khach-my-tang-manh-so-du-lich-tp-hcm-sang-my-quang-ba-du-lich-20231017155426598.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Apple chính thức mất ngôi vương tại Trung Quốc
Hãng tin CNBC cho biết Apple đã chính thức mất ngôi vị là hãng điện thoại dẫn đầu thị phần tại Trung Quốc. Dẫn lời báo cáo từ các chuyên gia phân tích tại Jefferies, doanh số bán iPhone 15 tại thị trường 1,4 tỷ dân kém xa so với những mẫu điện thoại trước đó của nhà táo khuyết, cho thấy nhu cầu yếu từ người tiêu dùng với sản phẩm Apple cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Huawei.
Theo Bloomberg, hãng Apple đang đối mặt với nhiều khó khăn ở Trung Quốc khi iPhone 15 được ra mắt sau khi Huawei tung ra dòng điện thoại 5G Mate 60 Pro ngay trước đó. Một số người cho rằng Huawei với sự hỗ trợ của chính phủ có khả năng sẽ thay thế Apple thống trị phân khúc smartphone hạng sang. Báo cáo của Counterpoint ước tính Huawei có thể bán được 5-6 triệu chiếc Mate 60 Pro trong năm nay và con số này có thể tăng lên 2 chữ số vào năm 2024. Đồng thời, tin đồn về việc chính quyền Bắc Kinh cấm quan chức dùng smartphone nước ngoài cũng như siết chặt quy định về chợ ứng dụng App Store càng khiến nhà đầu tư hoang mang.
Nguồn: https://markettimes.vn/doanh-so-iphone-15-gay-that-vong-apple-chinh-thuc-mat-ngoi-vuong-tai-trung-quoc-44987.html
2.    Essentra Components lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược trong chuỗi cung ứng
Essentra Components – doanh nghiệp về linh kiện công nghiệp đang xác định lựa chọn Việt Nam như một điểm đến đầu tư chiến lược trong chuỗi cung ứng của mình. Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, Essentra Components định hướng trở thành nhà cung ứng linh kiện chế tác chính ở thị trường Việt Nam và có thể hỗ trợ các nhà sản xuất các linh kiện chất lượng cao và đáp ứng nhiều mức độ chất lượng tùy theo nhu cầu khách hàng.
Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường linh kiện điện tử năng động và tăng trưởng nhanh trên thế giới, với dự kiến tỉ lệ tăng trưởng khoảng 8,87% trong giai đoạn (2023 – 2028) với quy mô thị trường đạt tới 36,45 tỉ USD vào năm 2028. Essentra Components xác định rằng, đầu tư tại Việt Nam sẽ mở ra cánh cửa tiếp cận với các khách hàng tiềm năng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thu hút các nhà đầu tư về ngành sản xuất, chế tạo lớn trên thế giới xuất phát từ việc các nguồn cung linh kiện đã trở nên thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng hơn
Nguồn: https://congthuong.vn/essentra-components-lua-chon-viet-nam-la-diem-den-dau-tu-chien-luoc-trong-chuoi-cung-ung-279358.html
3.    Hãng kiểm toán PwC bắt tay OpenAI, dùng AI để cung cấp dịch vụ tư vấn
Theo Bloomberg, hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP đã hợp tác với OpenAI, chủ sở hữu công cụ ChatGPT. Kết quả của mối hợp tác này là PwC sẽ cung cấp cho khách hàng những lời khuyên do trí tuệ nhân tạo tạo ra. Theo đó, công ty kiểm toán sẽ sử dụng AI để tư vấn các vấn đề phức tạp về thuế, pháp lý và nhân sự, chẳng hạn như thực hiện thẩm định đối với các công ty, xác định các vấn đề tuân thủ và thậm chí đề xuất xem có nên ủy quyền các giao dịch kinh doanh hay không. Sự hợp tác này khiến PwC trở thành Big Four đầu tiên hợp tác với OpenAI, được coi là một trong những công ty đi đầu trong công nghệ AI sáng tạo với chatbot ChatGPT.
Các công ty kiểm toán Big Four đã tăng gấp đôi đầu tư vào AI khi họ tìm cách tăng năng suất. Đối thủ KPMG đã công bố khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la vào các dịch vụ đám mây và AI tổng quát của Microsoft, trong khi Ernst & Young LLP gần đây đã hợp tác với IBM để sử dụng AI nhằm hợp lý hóa các quy trình nhân sự. Deloitte đã mở rộng quan hệ đối tác với Google Cloud để phát triển các giải pháp hỗ trợ AI cho khách hàng. PwC cũng đã sử dụng dịch vụ chatbot để giúp tăng tốc các công việc như tóm tắt tài liệu kể từ tháng 3.
Nguồn: https://vneconomy.vn/hang-kiem-toan-pwc-bat-tay-openai-dung-ai-de-cung-cap-dich-vu-tu-van.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.    Dòng vốn Trung Quốc chuẩn bị chảy vào startup Vntrip
Thông tin từ Tech in Asia cho biết startup du lịch Vntrip đã gọi thành công một vòng vốn mới từ Fan Min, nhà đồng sáng lập Ctrip- Công ty du lịch trực tuyến đa quốc gia có trụ sở tại trung Quốc, và một số nhà đầu tư hiện hữu. Thông tin từ Tech in Asia cho biết startup du lịch Vntrip đã gọi thành công một vòng vốn mới từ Fan Min, nhà đồng sáng lập Ctrip- Công ty du lịch trực tuyến đa quốc gia có trụ sở tại trung Quốc, và một số nhà đầu tư hiện hữu.
Nguồn: https://baodautu.vn/dong-von-trung-quoc-chuan-bi-chay-vao-startup-vntrip-d200824.html
Nhóm tin về tài chính
1.    Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024
Bộ tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin ý kiến về việc giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024.
Về nội dung chính sách, việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% và trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1-30/6/2024.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-giam-thue-gia-tri-gia-tang-2-trong-6-thang-dau-nam-2024/902595.vnp

BSA Media