Các diễn già tham gia buổi tọa đàm về sở hữu trí tuệ tại TP.HCM hôm 27-4 do phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ (MPA) tổ chức. Ảnh: Mỹ Huyền

Số người sử dụng dịch vụ giải trí trực tuyến tại Việt Nam sẽ tăng gần 50% trong năm nay, đạt 6,2 triệu thuê bao. Tuy nhiên, Netflix và các hãng phương Tây lại không mặn mà với tương lai phát triển của thị trường Việt Nam bởi nạn xài chùa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4) do phái bộ ngoại giao Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) tổ chức đã nhắc lại các thách thức trong việc thực thi bảo vệ quyền SHTT, các rào cản và tương lai của các tác phẩm điện ảnh Việt Nam tại các rạp chiếu trong và ngoài nước.

Hành trình ra đời khó nhọc của Trạng Tí

Khi Trạng Tí ra rạp suôn sẻ hôm 1-2, tức mùng Một Tết Nhâm Dần vừa rồi, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mới thở phào. “Chưa dự án nào của tôi gian nan đến như vậy khi phải dời lịch chiếu vì dịch”, cô tâm sự.

Phim ra rạp ngay dịp lễ 30-4-2021 được bốn ngày thì ngừng chiếu rạp vì TP.HCM bùng dịch. Sau khi rút khỏi rạp chiếu, nhà sản xuất đã không phát hành phim trên các nền tảng trực tuyến như một số phim Việt cùng thời điểm. Nhà sản xuất hy vọng với sự đầu tư của êkip hơn 300 người, Trạng Tí sẽ được khán giả đón nhận trong những ngày Tết.

Trạng Tí có kinh phí 43 tỉ đồng, trong đó khâu kỹ xảo đồ họa và bối cảnh chiếm phần lớn. Số đầu tư này thuộc loại cao nhất trong các phim của Ngô Thanh Vân đã công chiếu. Nhưng Trạng Tí chỉ thu về 17,5 tỉ đồng trong dịp Tết rồi, thua xa các phim Việt đứng đầu doanh thu phòng vé – theo hãng quan sát phòng vé độc lập Box Office Việt Nam.

Trạng Tí phải chịu cảnh vắng rạp do các tỉnh thành vẫn còn chống dịch. Người hâm mộ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt – kịch bản gốc – là tác nhân chính khi hình thành làn sóng tẩy chay Trạng Tí bởi nhà sản xuất đã làm việc với công ty Phan Thị – nơi nắm bản quyền truyện, thay vì thương thảo với họa sĩ Lê Linh – cha đẻ của bộ truyện tranh. Đoàn làm phim khẳng định rằng quá trình mua bản quyền và sản xuất phim đúng theo luật. Họ cũng giải thích họa sĩ Lê Linh chỉ có quyền tác giả với bốn nhân vật Lê Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo trong truyện. Riêng quyền sở hữu vẫn thuộc Phan Thị.

Nhưng Thần đồng đất Việt cũng là vụ kiện quyền sở hữu trí tuệ thuộc hạng dai dẳng nhất Việt Nam với tám lần hòa giải bất thành và ba lần thay thẩm phán. Năm 2001, họa sĩ Lê Linh bắt tay với Phan Thị thực hiện bộ truyện. Bốn năm sau, hai bên bắt đầu rạn nứt khi ông Lê Linh phát hiện người của Phan Thị đứng tên đồng tác giả. Năm 2007, họa sĩ bắt đầu khởi kiện và đến năm 2019, sau 12 năm dài đằng đẳng ông mới được tòa công bố là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh.

Sau nhiều lần dời vì dịch Covid, mãi đến mùng một Tết Nhâm Dần 2022 Trạng Tí mới ra rạp trở lại. Nhưng phim chỉ thu được 17,5 tỷ đồng tiền vé do bị khán giả tẩy chay. (Ảnh chụp poster)

Đã đến lúc phải xem xét nghiêm túc

Đạo diễn Charlie Nguyễn nhấn mạnh rằng mối quan hệ ba chân vạc – gồm nhà làm phim, hãng phát hành và khán giả – là cấu trúc không thể tách rời. “Thiếu một trong ba chân, điện ảnh Việt Nam không thể phát triển”, nhà đạo diễn phát biểu.

Nạn phim lậu trên các trang trực tuyến, các bản phim sao chép kém chất lượng YouTube là những vấn đề nan giải tại Việt Nam. Diễn giả là các đạo diễn tham gia buổi tọa đàm tại sự kiện nói rằng rất nhiều người quen, người thân của họ khi biết phim đã chiếu rạp thì “hồn nhiên” hỏi: “Khi nào lên YouTube?”. Có người còn nói việc chia sẻ các đường link xem phim lậu là “cách giúp quảng bá cho bộ phim, việc gì phải xoắn”.

Và ngay cả cách định nghĩa và các khía cạnh liên quan đến SHTT tại Việt Nam cũng đang có sự khác biệt với thế giới. Năm 2015 khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” lần đầu đến Việt Nam, đoàn đã trình tập tài liệu rất dày, trong đó phần lớn tập trung vào bảo mật và SHTT. Phía Việt Nam rất bở ngỡ khi đoàn làm phim Hollywood còn xin giấy phép để đưa hình ảnh của Vịnh Hạ Long và Việt Nam lên màn ảnh rộng.

“Ở nước ngoài, SHTT được quy định rất đơn giản là xâm phạm quyền SHTT là xâm phạm lợi ích kinh tế. Do đó, vấn đề bản quyền của họ được nhìn nhận rõ ràng”, theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch.

Tháng 11-2017, êkip Ngô Thanh Vân từng làm ầm ĩ chuyện một nam sinh 19 tuổi ở Vũng Tàu gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng khi livestream bộ phim Cô Ba Sài Gòn đang chiếu trong rạp. Anh sinh viên này sau đó đã bị nhà chức trách địa phương phạt 15 triệu đồng sau khi thừa nhận rằng không biết hành động của mình là phạm luật.

Quan niệm của khán giả ngây ngô là vậy. Còn việc thực thi bảo hộ quyền SHTT trong nước thì có quá nhiều lỗ hổng. “Đường link phim lậu vừa được tháo vì vài tiếng sau, phim đã được tải lên trên một server khác, với tên miền khác”, nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc than thở.

Nhưng đã đến lúc phải “xoắn” với những chuyện nhỏ như vậy.

Vì tương lai phim Việt “cháy vé”

Do ảnh hưởng của Covid, nhiều người đang bỏ nhiều thời gian không chỉ làm việc mà cả giải trí trực tuyến. Số lượng thuê bao dịch vụ streaming trên thế giới gia tăng nhanh chóng trong đại dịch, đạt con số hơn 1 tỉ.

Theo Statistica, số người sử dụng dịch vụ video streaming tại Việt Nam đạt 6,2 triệu trong năm 2022, mức tăng gần 50% từ mốc 4,2 triệu trong năm 2019. Doanh thu từ dịch vụ video streaming tại Việt Nam dự báo đạt 200 triệu đô la năm nay, hơn gấp đôi con số 89 triệu đô la trong năm 2019.

“Doanh thu từ kinh doanh trực tuyến và thuê bao sẽ tăng cao hơn nữa khi nền kinh tế Internet tại Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong 10 năm tới. Chúng tôi quan tâm đến tác quyền và quyền SHTT không chỉ ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng mà cả trong các sản phẩm văn hóa giải trí và điện ảnh”, ông Robert Greenan – quyền Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM trao đổi với Kinh Tế Sài Gòn. Năm 2019, các cơ quan chức năng Mỹ như Cục Điều tra liên bang (FBI), Bộ Thương mại và Văn phòng Nhãn hiệu và bằng sáng chế (USPTO) tổ chức hội thảo về bảo hộ quyền SHTT đối với các mặt hàng tiêu dùng tại Mỹ.

Sự quan tâm của công chúng Việt Nam với SHTT, đặc biệt là giới trẻ và nhất là các nhà làm phim trẻ tuổi, cùng với sự cải thiện khuôn khổ luật cũng tạo tiền đề phát triển mới cho các tác phẩm điện ảnh. Rộng hơn là nền điện ảnh trong nước có cửa cạnh tranh với các tác phẩm điện ảnh từ Thái Lan hay Trung Quốc, hoặc bay bổng hơn là Hàn Quốc.

“Đó không chỉ là một bộ phim mà là tương lai của nền điện ảnh nước nhà. Netflix và các nền tảng phim trực tuyến muốn vào thị trường Việt Nam đã bỏ cuộc vì số đăng ký thuê bao quá nhỏ. Rồi lại chia sẻ tài khoản xem chung nhiều người, nhiều gia đình” – theo lời ông Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn của Trạng Tí và nhiều phim Việt bán vé chạy.

Cần phải điểm lại thực lực của phim điện ảnh Việt trong vài năm qua. Và dòng tiền từ phòng vé chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong sự cải thiện chất lượng.

Các phim Việt ăn khách trong nước được báo chí ca ngợi hết lời, nhưng khi xuất sang nước ngoài lại “yếu nhớt ra”. Chẳng hạn, các phim “thị trường” hay “mì ăn liền” của Việt Nam được một hãng phát hành nhỏ ở Sydney phát hành năm 2013 tại thị trường Úc như Lửa Phật, Mỹ nhân kế và Âm mưu giày gót nhọn. Giám đốc cũ của hãng phát hành tư nhân này nói rằng tiền bản quyền ông trả cho phía Việt Nam khoảng 10.000 đô la Úc (hơn 160 triệu đồng), chưa kể phí phân loại phim, tiền quảng bá, và tiền thuê rạp. Nhưng chưa có suất chiếu nào vượt quá 10 vé. Kết quả là lỗ chỏng gọng và chỉ nhập thêm một vài phim thì đứt đuôi.

“Trong khi đó, các phim trong series Detective Dee (Địch Nhân Kiệt) của các hãng Trung Quốc thì chúng tôi lại lời bởi doanh thu lên đến 100.000 đô la”, ông giám đốc kể lại về con đường hẹp của xuất khẩu phim điện ảnh Việt sang Úc.

Ngay cả khi các phim Việt mang dự Liên hoan phim quốc tế đoạt giải, tiếng vang trong nước thì có nhưng vé bán rạp ở các nước thì…

Hồ Nguyên Tháo 

(Bài đã đăng trên báo in Kinh Tế Sài Gòn số 19/2022)

Du lịch ASEAN bắt nhịp với thế giới