Ngành hàng không Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 trong năm 2020 - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

WB: Việt Nam bị thiệt hại gần 20 tỷ USD mỗi năm vì thiên tai

Thiên tai gây thiệt hại tài sản trung bình hàng năm tính theo sức mua tương đương (PPP) đến 8,1 tỷ USD và thiệt hại đối với đời sống người dân khoảng 11 tỷ USD – báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.

Báo cáo giải pháp chống thiên tai ở vùng duyên hải Việt Nam được thực hiện với sự hợp tác của chính phủ Việt Nam, WB và Quỹ Toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi thiên tai. Báo cáo đưa ra các tính toán chi tiết về mức độ rủi ro mà người dân, các đô thị ven biển, ngành kinh tế then chốt, hệ thống cơ sở hạ tầng và khu vực dịch vụ công ở khu vực ven biển đang phải đối mặt.

Theo báo cáo này, khoảng 11,8 triệu người dân khu vực ven biển đang gặp rủi ro cao do bão lũ và hơn 35% khu vực dân cư trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Ước tính mỗi năm, ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp trong khu vực phải hứng chịu thiệt hại khoảng 852 triệu USD (tương đương 0,5% GDP cả nước) và 316.000 lao động bị mất việc do ảnh hưởng của lũ sông và lũ ven biển.

Ngoài ra, 26% các bệnh viện công và trung tâm y tế, 11% các trường học phải đối mặt với rủi ro ngập úng, làm gián đoạn khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu như giao thông vận tải và năng lượng do bão lũ gây ra.

Các kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất dự báo: Mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm vào năm 2050 và 70cm vào năm 2100. Vì thế, mức độ rủi ro do bão lũ của khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng lên 7%, ảnh hưởng đến thêm 4,5 triệu người ở khu vực ven biển.

Nghiên cứu cũng cảnh báo nếu không có hành động kịp thời, áp lực từ các hoạt động của con người lên hệ sinh thái, ví dụ như khai thác nước ngầm hay khai thác cát, sẽ làm nghiêm trọng thêm các loại hình rủi ro thiên tai. Đặc biệt khi khu vực ven biển hiện là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số Việt Nam, và các tỉnh thành ven biển đang được coi là động lực chính cho sự phát triển kinh tế.

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,95 – 56,40 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 450.000 đồng/lượng. giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.904,4 USD/ounce, tăng 2,1 USD, tương đương 0,11% giá trị so với chốt phiên trước. Theo giới chuyên gia, giá vàng đi lên khi đồng USD yếu hơn và lo ngại về sự gia tăng lần thứ hai các trường hợp nhiễm Covid-19. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng không muốn mạo hiểm trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 3/11 sắp tới.

2/ Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ sang Ý trong tháng 9 đạt hơn 5,5 triệu USD, tăng gần 8.600% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, đây là mức tăng trưởng hiếm có trong lịch sử xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Theo VASEP, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng cá ngừ. Từ 1/8, các sản phẩm cá ngừ chế biến khác, đặc biệt là thịt, thăn cá ngừ vây vàng hấp đông lạnh được miễn thuế theo hạn ngạch gần 4.800 tấn khi xuất khẩu sang châu Âu tính đến hết tháng 12/2020. Trước đây, những sản phẩm này phải chịu mức thuế 20,5% nên không thể cạnh tranh với các sản phẩm tương tự đến từ Eculador hay Solomon, vốn được miễn thuế khi xuất khẩu.

3/ Kết thúc vụ niên vụ 2019-2020, đường Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam đạt hơn 862.000 tấn, cao hơn 12,1% so với sản lượng đường mía sản xuất trong nước. Trong đó, gần 77% sản lượng đường này được xuất sang Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng sau ATIGA (01/01– 30/6/2020). Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, tiêu thụ của các doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan. Nhiều năm nay, Thái Lan là đối thủ chính của ngành đường Việt Nam, đồng thời là quốc gia đứng thứ tư thế giới về sản xuất đường và thứ hai thế giới về xuất khẩu. Mỗi năm, sản lượng đường lậu giá rẻ từ Thái Lan về Việt Nam ước tính chiếm hơn 30% nhu cầu sử dụng đường trong nước, tác động tiêu cực tới giá đường nội địa.

4/ Mới đây, Bộ Tài chính đã có các tờ trình và báo cáo chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% để Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10-11/2020. Nếu được Quốc hội thông qua, từ năm 2021, phân bón sẽ từ diện không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế 5%. Các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, vốn đang không chịu thuế đầu vào và đầu ra, sẽ đánh mất lợi thế về thuế, qua đó giảm sức cạnh tranh so với hàng nội địa. Theo các chuyên gia, tác dụng lớn nhất của việc sửa thuế này là trả lại sự công bằng cho phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, tăng sức cạnh tranh của phân bón “made in Vietnam”.

5/ Hôm nay ngày 28/10, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific Business Forum – IPBF), đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp. Nổi bật nhất là Tập đoàn AES (có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ) sẽ ký thỏa thuận trị giá 2,8 tỷ USD với PetroVietnam Gas để xây dựng cảng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) và một nhà máy điện khí ở Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, ba tập đoàn Bechtel, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD được công bố trước đó để phát triển nhà máy điện LNG công suất 3.200 MW tại tỉnh Bạc Liêu. Đây là dự án điện quy mô lớn đầu tiên do nhà đầu nước nước ngoài đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập.

Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

6/ Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng PV DRILLING III cho khách hàng KrisEnergy (Apsara) Company Limited (“KrisEnergy”) để thực hiện chương trình khoan bao gồm 5 giếng phát triển tại khu vực Lô A, ngoài khơi Campuchia. Đây là hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan đầu tiên của PV Drilling tại Campuchia. Cùng với việc cung cấp dịch vụ khoan, PV Drilling cũng lần đầu tiên cung cấp dịch vụ kéo thả ống chống tại thị trường này. Họ cũng sẽ là doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đầu tiên cung cấp giàn khoan tự nâng cho Campuchia.

7/ Amazon.com cho biết họ sẽ tuyển dụng thêm 100.000 nhân viên để giúp đáp ứng nhu cầu cho mùa mua sắm vào dịp lễ. Tuy nhiên con số này chỉ bằng một nửa tổng số so với năm ngoái sau khi công ty tăng cường nhân sự một cách đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Năm ngoái, Amazon đã phải thuê thêm 200.000 nhân viên thời vụ để xử lý lượng đơn đặt hàng cao ngất ngưởng trong quý IV. Tính đến nay, Amazon đã bổ sung hơn 175.000 nhân viên mới trong một đợt tuyển dụng bắt đầu vào tháng 3 năm nay. Công ty đã tiếp tục điều này vào tháng trước với cam kết sẽ thuê 100.000 nhân viên cho mạng lưới hậu cần của mình.

8/ Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holdings dự báo lỗ ròng kỷ lục 4,87 tỷ USD trong năm 2020. Doanh thu của ANA trong giai đoạn từ tháng 4-9 cũng sụt giảm 72% xuống mức 291,8 tỷ yên (2,78 tỷ USD). Bên cạnh đó, ANA Holdings thông báo lỗ ròng của tập đoàn đã lên tới 188,4 tỷ yên (1,8 tỷ USD) – lao dốc mạnh so với mức lợi nhuận 56,7 tỷ yên thu được cùng kỳ năm ngoái.  ANA dự báo lỗ ròng kỷ lục 510 tỷ yen (4,87 tỷ USD) trong tài khóa tính tới tháng 3/2021, so với lợi nhuận ròng ở mức 27,6 tỷ yên ghi nhận trong tài khóa trước đó. Lý cho sự sụt giảm mạnh này là do các tác động nặng nề từ các biện pháp siết chặt nhập cảnh trên toàn thế giới, cũng như do tâm lý hạn chế đi lại ngay trong lãnh thổ Nhật Bản nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Doanh thu của ANA trong giai đoạn từ tháng 4-9 đã suy giảm 72%, xuống mức 291,8 tỷ yên – Ảnh: Nikkei

9/ Hôm nay, Bộ Ngoại giao Cuba thông báo rằng công ty dịch vụ tài chính và truyền thông toàn cầu của Mỹ, Western Union, sẽ đóng cửa toàn bộ 407 chi nhánh tại nước này do các lệnh trừng phạt của Washington. Cùng với đó, ngày 23/10 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bổ sung biện pháp kiểm soát tài sản Cuba, cụ thể là ngăn chặn việc gửi kiều hối từ Mỹ về quốc đảo này thông qua các công ty Mỹ (trong đó có Western Union) có giấy phép chung. Giới chuyên gia ước tính năm 2017, lượng kiều hối gửi về Cuba vào khoảng 3,8 tỷ USD.

10/ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã dự báo rằng doanh thu ngành hàng không toàn cầu năm 2021 vẫn sẽ giảm 46% so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong dự báo triển vọng trước đó, IATA dự báo doanh thu năm 2021 giảm 29% so với năm 2019 “dựa trên kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu bắt đầu từ quý 4/2020”. Theo IATA, đại diện cho 290 hãng hàng không trên thế giới, dự báo trước đó khó trở thành hiện thực do làn sóng lây nhiễm đại dịch Covid-19 mới cũng như các biện pháp hạn chế của chính phủ các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. IATA dự báo lưu lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trong cả năm 2020 sẽ giảm 66% so với năm ngoái.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Bản tin thị trường – ngày 27/10/2020